Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MRB) vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kế hoạch vận hành đoạn trên cao thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội.
Theo lãnh đạo MRB, vận hành thử đoạn trên cao là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại.
Cụ thể, vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách với mục đích là kiểm tra sự sẵn sàng của toàn bộ hệ thống về phương diện vận hành. Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần, bắt đầu từ ngày 11/3 kết thúc vào 26/4 tới.
Các hoạt động kiểm tra gồm: Kiểm tra lịch chạy tàu; thử nghiệm các dịch vụ trong điều kiện vận hành danh định và hạn chế; xác minh tính đầy đủ và hiệu quả của các hướng dẫn vận hành và bảo trì cũng như các quy trình khẩn cấp; đảm bảo các quy trình chăm sóc khách hàng và thương mại được chuẩn bị tốt với đội ngũ nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng và trang thiết bị khả dụng và đảm bảo hiệu quả; tích hợp các dịch vụ khẩn cấp và an toàn để chuẩn bị cho vận hành thương mại; cho phép nhân sự vận hành và bảo trì có kinh nghiệm ban đầu trong điều kiện thực tế bằng cách làm quen với thiết bị, để xử lý các chế độ vận hành danh định và chế độ hạn chế.
“Đánh giá két quả vận hành thử sẽ do Tư vấn Systra thực hiện dựa trên biểu mẫu đánh giá do Tư vấn Systra lập. Biểu mẫu này sẽ bao gồm một bộ các tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và yếu tố vận hành để đánh giá,” lãnh đạo MRB nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số kịch bản đặc thù về sơ tán hành khách, thoát hiểm trong điều kiện có cháy nổ, cấp cứu người bị thương sẽ được diễn tập trong các tuần cuối của tháng 4/2024 cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng như Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cơ quan y tế. MRB và Tư vấn đang rà soát, lập chương trình chi tiết phối hợp và sẽ sớm có báo cáo thành phố để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện.
Gấp rút đào tạo lái tàu để chuẩn bị vận hành tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội
Chủ đầu tư đang tiến hành đào tạo thực tế cho 50 học viên lái tàu để phục vụ cho việc vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vào tháng 6/2024.
Theo dự kiến của MRB, đoạn trên cao tuyến Nhổn-Ga Hà Nội sẽ hoàn thành công tác vận hành chạy thử vào cuối tháng 4/2024. Đến cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước để bàn giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.
Mới đây, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã có quyết định thành lập tổ thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.
Tổ thẩm định có nhiệm vụ chủ trì thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn; thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của tổ chức chứng nhận đối với các nội dung liên quan đến: hệ thống thông tin tín hiệu trên phương tiện và trên đường, hệ thống cung cấp điện sức kéo, cửa chắn ke ga (nếu có); đánh giá tích hợp hệ thống, đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống, đánh giá hệ thống quàn lý an toàn vận hành; rủi ro phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, trên cầu cạn, trong đường hầm, nhà ga.
Tổ thẩm định cũng tổng hợp các thông báo, báo cáo thẩm định của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam và kết quả thẩm định để tham mưu Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam xem xét cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật./.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách).
Dự án được xây dựng với chiều dài 12,5km, trong đó đoạn trên cao 8,5km từ Nhổn-Cầu Giấy dự kiến vận hành vào tháng 6/2024, còn 4km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành năm 2027.
Dự án có tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu Euro) từ nguồn vay ODA của Tổng cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á và 218 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội.