Vận hành thị trường carbon từ 2028: Việt Nam cần phương án thực hiện ra sao?

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2025, Việt Nam sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính sau đó sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028.
Phát triển rừng và các hệ sinh thái nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 6/2025, Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), sau đó sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và kết nối thị trường trong nước với quốc tế từ sau năm 2030.

Tuy nhiên để thực hiện thành công mục ​tiêu trên, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể về chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang “xanh” đồng thời có phương án thiết kế và quản lý đối với hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

Phân bổ hạn ngạch ETS từ tháng 6/2025

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đạt được các cam kết trên và mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, theo ông Quang, một trong những giải pháp quan trọng là phải chuyển đổi năng lượng từ “nâu” (các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường) sang “xanh” (các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo); đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn…

Cùng với đó, Việt Nam cần phải chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp theo hướng xanh hơn. Đơn cử như đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp chất lượng cao. Theo tính toán, áp dụng giải pháp này, ngành nông nghiệp sẽ giảm phát thải được từ 3-5 tấn CO2/ha lúa. Tiếp theo là phát triển rừng và các hệ sinh thái nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính, bởi các hệ sinh thái ven biển rừng ngập mặn hấp thu nhiều gấp 4 lần rừng tự nhiên. Cuối cùng là biện pháp định giá carbon.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thông qua các công cụ như: Thuế carbon và thị trường carbon, biện pháp này hiện kiểm soát khoảng trên 11 tỷ tấn carbon, tương đương với 20% lượng phát thải trên toàn cầu.

“Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường carbon trong nước,” ông Quang nhấn mạnh.

Ông Quang cũng cho biết nội dung về việc thành lập thị trường carbon cũng như lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

“Theo kế hoạch, đến tháng 6/2025, Việt Nam sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch; sau đó thị trường bắt đầu tiến hành giao dịch, trao đổi hạn ngạch. Như vậy thời gian chuẩn bị để thực hiện không còn nhiều,” ông Quang lưu ý.

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết hiện hành lang pháp lý và lộ trình thực đã có, song việc cần làm là phải đánh giá tính toán cụ thể xem mức độ ảnh hưởng vĩ mô, ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao đồng thời có phương án thiết kế và quản lý đối với hệ thống ETS để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

“Việc đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ do Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc chủ trì thực hiện, kéo dài từ nay đến tháng 6/2025, nhằm phục vụ triển khai giai đoạn thí điểm. Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sắp tới, khoảng 150 doanh nghiệp, cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện sẽ được đưa vào thị trường carbon,” ông Quang thông tin.

Trong giai đoạn thí điểm sắp tới, khoảng 150 doanh nghiệp, cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép, ximăng sẽ được đưa vào thị trường carbon. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.

Quốc tế định giá carbon thế nào?

Để đạt được các cam kết xanh và mục tiêu giảm phát thải trên, giới chuyên gia cho rằng một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon.

Tại Hội thảo “Khởi động Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam” do Cục Biến đổi khí hậu tổ chức mới đây, tiến sỹ Robert Ritz (Đại học Cambridge), cho biết việc định giá carbon có khả năng giảm phát thải một cách nhanh chóng và hiệu quả về chi phí.

“Đơn cử tại Anh, việc áp dụng thuế carbon trong ngành điện đã giúp giảm 26% lượng CO₂ liên quan đến sản xuất điện chỉ trong vòng ba năm. Và từ ngày 1/10//2024, Anh đã dừng sản xuất điện tử than đá,” tiến sỹ Robert Ritz dẫn ví dụ và nhấn mạnh quy định hạn ngạch phát thải chính là yếu tố thúc đẩy việc định giá carbon.

Tuy vậy, tiến sỹ Robert Ritz cũng lưu ý nhà quản lý cần tính đến hỗ trợ chính sách nhằm hạn chế việc chuyển chi phí carbon (hay tăng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng) để bù đắp chi phí tăng thêm do giá carbon.

Ông Frederic Ggnon - Lebrun, chuyên gia tư vấn từ South Pole cũng cho rằng cùng với minh bạch trong cơ chế quản lý, chính phủ cần đơn giản hóa các quy tắc và yêu cầu để thuận tiện cho công tác quản lý và giúp các bên tham gia thị trường carbon dễ dàng thiết lập mô hình tài chính.

Bà Nguyễn Hồng Loan - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm chuyên gia chính sách khí hậu, nhấn mạnh để hướng tới vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam trong thời gian tới, việc đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon là rất quan trọng.

Do vậy, với vai trò là nhóm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, nhóm sẽ phân tích khung pháp lý của Việt Nam và xem xét kinh nghiệm quốc tế để xác định các phương án thiết kế; quản lý đối với việc xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch ETS, tập trung vào các phương án khả thi cho vận hành thí điểm thị trường carbon giai đoạn 2025-2027.

Theo kế hoạch, nhóm tư vấn sẽ đánh giá và mô hình hóa tác động của các phương án quản lý ETS tại Việt Nam, bao gồm việc phân tích các tác động cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường của những phương án này, đặc biệt là tác động đối với các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng; đánh giá và mô hình hóa các tác động kinh tế-xã hội và môi trường của việc giao dịch tín chỉ carbon và các kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam ra quốc tế.

“Trên cơ sở đó, nhóm tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị, nhằm xác định các phương án quản lý tối ưu đối với tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính để hỗ trợ quá trình xây dựng hệ thống pháp lý quốc gia, hướng tới vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam,” bà Loan nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục