Ngày 21/8, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật (chủ đầu tư) tổ chức vận hành kỹ thuật dự án tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy số 1 (còn gọi là buýt sông).
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật cho biết, đây là dự án vận chuyển hành khách công cộng chưa có tiền lệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến số 1: Bạch Đằng-Linh Đông, dài 10,8 km gồm các bến Bạch Đằng (quận 1)-Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức). Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật sẽ bổ sung thêm 3 bến gồm bến Thủ Thiêm (quận 2), Tân Cảng (Bình Thạnh), Trường Thọ (Thủ Đức).
Tuyến số 2: Bạch Đằng-Lò Gốm dài 10,3 km gồm các bến Bạch Đằng-Nguyễn Thái Bình (quận 1)-Khánh Hội (quận 4)-cầu Chữ Y-chợ Hoà Bình-Nguyễn Tri Phương (quận 5)-Bình Đông (quận 8)-Bình Tây (quận 6)-chùa Long Hòa (quận 8)-bến số 2-11 Lò Gốm (quận 6).
[Đưa tuyến buýt đường sông đầu tiên vào hoạt động trong tháng Bảy]
“Khó khăn hiện nay đối với dự án buýt sông là thói quen sử dụng các phương tiện vận tải công cộng còn thấp, đa số người dân còn lạ lẫm đối với mô hình này đồng thời chi phí đầu tư, nhất là chi phí quản lý vận hành rất cao, yêu cầu kỹ thuật khắt khe cũng như đòi hỏi nhân viên phải thuần thục về chuyên môn, nghiệp vụ,” ông Nguyễn Kim Toản cho biết thêm.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có hơn 1.000km đường thủy, hàng hải, góp phần phát triển kinh tế xã hội tuy nhiên vẫn chưa khai thác được vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy.
Hiện nay thị phần vận tải hành khách công cộng vẫn chủ yếu là taxi, xe buýt bằng đường bộ, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2020, thành phố phấn đấu vận tải hành khách công cộng đảm nhận 20% nhu cầu đi lại.
Trong tình hình đó việc phát triển mô hình buýt sông được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực cho vận tải đường bộ cũng như phát huy lợi thế mạng lưới đường thuỷ của thành phố.
Được biết, giá vé toàn tuyến số 1 Bạch Đằng-Linh Đông được đưa ra là 15.000 đồng/lượt, sau đó sẽ điều chỉnh theo chặng. Dự kiến giữa đầu tháng 10/2017 mới chính thức vận hành khai thác. Đến năm 2020, hai tuyến buýt sông nói trên sẽ có 10 phương tiện, sức chứa 60 chỗ/phương tiện./.