Trước hiện trạng nguồn nước nhiều hồ chứa đang thiếu hụt và diễn biến phức tạp của khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa khô đầu năm 2020, bảo đảm việc điều chỉnh lưu lượng các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của các địa phương ở phía hạ du.
Dự trữ nước cho các tháng cao điểm
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau khi nghiên cứu kiến nghị của EVN về việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa khô đầu năm 2020 và trên cơ sở hiện trạng nguồn nước các hồ chứa, diễn biến khí tượng, thủy văn, số liệu vận hành các hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng việc xem xét điều chỉnh giảm lưu lượng xả các tháng đầu mùa cạn để dự trữ nước phục vụ cho các tháng cao điểm vào mùa khô 2020 là cần thiết.
Đây cũng là yêu cầu đã được đặt ra tại Chỉ thị số 04/CT-TTg 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh cũng như bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian còn lại của mùa cạn (từ 3 đến 6 tháng tùy từng lưu vực), đặc biệt là trước hiện trạng nguồn nước nhiều hồ chứa đang thiếu hụt và diễn biến phức tạp của khí tượng thủy văn như hiện nay.
[Khô-mặn tiếp diễn “khốc liệt:” Hơn 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt]
Tuy nhiên, để bảo đảm việc điều chỉnh lưu lượng các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của các địa phương ở phía hạ du, phù hợp với hiện trạng nguồn nước các hồ chứa và diễn biến dòng chảy trên các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng cần cân nhắc đối với phương án vận hành xả nước các hồ chứa trong các tháng đầu năm 2020 của EVN.
Cụ thể, đối với các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và hồ Sê San 4A, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ bản thống nhất với đề xuất của EVN về việc điều chỉnh chế độ vận hành của các hồ này. Nhưng EVN cần chỉ đạo các chủ hồ chứa, đặc biệt là hồ Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước của hồ Hòa Bình và lấy đủ lượng nước từ sông Đà để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân.
Vẫn phải bảo đảm dòng chảy phía hạ lưu
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị EVN phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở phía hạ du để bảo đảm việc vận hành các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước, các hoạt động sản xuất và an toàn của nhân dân ở phía hạ du các hồ chứa.
Liên quan đến vấn đề vận hành bảo đảm dòng chảy phía hạ lưu sông Sê San, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên cơ sở kiến nghị của Công ty phát triển thủy điện Sê San, ngày 10/2, bộ đã có Văn bản số 620/BTNMT-TNN về việc vận hành điều tiết nước hồ Sê San 4 trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 4/2020.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị EVN chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện Sê San 4A phối hợp chặt chẽ với Công ty phát triển thủy điện Sê San trong việc vận hành, bảo đảm việc xả nước xuống hạ du sông Sê San theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.
[Việt Nam nỗ lực bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học vùng đất ngập nước]
Đối với các hồ Hủa Na, Cửa Đạt (trên lưu vực sông Mã), hồ Bản Vẽ (trên lưu vực sông Cả) và các hồ A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và ĐăkMi 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị EVN và các chủ hồ phối hợp với các địa phương để thống nhất phương án vận hành xả nước của từng hồ chứa, bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân phía hạ du trên cơ sở quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa sông Mã, Cả, Vu Gia-Thu Bồn và bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, điều chỉnh việc vận hành từng hồ chứa phù hợp. Trong quá trình vận hành nếu có vấn đề phát sinh, ENV và các chủ hồ chứa phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời xử lý./.