Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nền báo chí cách mạng luôn phải ý thức về sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị của mình, phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng,” “những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc.”
Đó là nhận định của Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh: ‘Kim chỉ nam’ cho báo chí
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí Việt Nam đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tầm quan trọng của việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí truyền thông ngày càng được nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc hơn trong hệ thống các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí trên cả nước, là nhân tố quan trọng quyết định những thắng lợi rực rỡ của nền báo chí nước nhà thời gian qua.
Ông Lê Văn Lợi cũng chỉ ra rằng báo chí ở nước ta cũng đang đối mặt với nhiều nhiều thử thách, khó khăn xuất phát từ những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, nhất là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng, cũng như bản thân những tồn tại, hạn chế trong nội tại hoạt động của nền báo chí Việt Nam hiện nay.
“Trong bối cảnh ấy, báo chí cách mạng vẫn luôn phải ý thức về sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của mình, phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Do đó, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay, là vấn đề có tính cấp bách,” ông Lê Văn Lợi nêu rõ.
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng một bộ phận những người làm báo chí cũng như một số cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
“Do đó, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là ‘kim chỉ nam’ cho sự phát triển của báo chí-truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay,” ông Mai Đức Ngọc nói.
‘Ngồi trong phòng giấy thì không thể viết thiết thực’
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng học theo những lời răn dạy của Bác Hồ chính là học làm báo chuyên nghiệp mà yếu tố đầu tiên là người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc.
Tiếp theo, người làm báo phải có kiến thức, am hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, có kiến thức sâu rộng để chinh phục được thực tiễn, tạo ra những tác phẩm, sản phẩm báo chí sâu sắc, có giá trị. Ngoài ra, báo chí phải thông tin chân thật, khách quan; sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm báo chí.
Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên tổ chức tháng 5/1949 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn viết báo khá cần: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”
“Những lời huấn thị của Người về nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí luôn đúng và có ý nghĩa thiết thực đối với những người làm báo ngày hôm nay. Những người làm báo hôm nay cần nêu cao tấm gương làm báo tận tụy của Người và quyết tâm học tập, rèn luyện để tạo ra những sản phẩm báo chí thực sự có chất lượng cao,” ông Hà Huy Phượng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) khẳng định mỗi bài nói, bài viết của nhà báo Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra đối với mỗi cán bộ làm báo khi nói, khi viết.
Tiến sỹ Ngô Vương Anh nhấn mạnh rằng cần học tập và vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập phong cách làm báo, văn phong báo chí của Người để vững vàng, chủ động, tích cực, kịp thời, sáng tạo trong cuộc đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận và thực tiễn của Đảng để mỗi bài báo có sức thuyết phục và lan tỏa rộng hơn.
“Hệ thống báo chí truyền thông cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện để nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch - coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt của báo chí cách mạng,” Tiến sỹ Ngô Vương Anh nói.
Đóng góp ý kiến về hoạt động báo chí hiện nay, Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp. Những cơ hội công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các hoạt động của xã hội, trong đó có báo chí, vì vậy, báo chí phải hơn ai hết tiếp cận được những thành tựu về công nghệ thông tin để áp dụng cho sự phát triển.
Nhà báo Nhị Lê cho rằng các cơ quan báo chí không thể hoạt động chỉ với những phương tiện truyền thống như trước đây, mà cần phải đổi mới về công nghệ, đổi mới về thiết bị cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần phải nhận thức được những thách thức trong thời đại truyền thông kỹ thuật số để chuẩn bị một tâm thế cần thiết, từ đó thấy được nhu cầu phải đổi mới, phải cải tiến, nâng cao chất lượng của các ấn phẩm, các sản phẩm báo chí./.
Học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nền tảng xây dựng công dân tốt, cán bộ tốt
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.