Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp

Cử tri Phạm Hoàng Lâm mong muốn Quốc hội khóa XV cần tăng cường thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp...
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," trước thềm Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài viết "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp.

Tinh thần đổi mới hoạt động lập pháp ngày càng mạnh mẽ

Nêu ý kiến về công tác lập pháp, cử tri Phạm Hoàng Lâm (nguyên kiểm sát viên trung cấp Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá đặc biệt từ năm 2013 (thời điểm ban hành Hiến pháp năm 2013) đến nay, tinh thần đổi mới quyết liệt trong các hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và đã thể chế hóa một số quy định mới của Hiến pháp năm 2013.

Cụ thể là các Bộ luật và Luật trong hoạt động tư pháp được ban hành có nhiệm vụ và vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội bảo vệ quyền công dân, quyền con người, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Theo cử tri Phạm Hoàng Lâm, hiện nay tại các thành phố lớn như như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…, những dự án, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nhà ở luôn được đặt ra để tạo điều kiện khai thác nguồn tài nguyên của ở những nơi này sao cho có hiệu quả cao nhất và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong quá trình đó, những bất ổn về đời sống, hoàn cảnh dịch bệnh đã làm tăng lên những mối đe dọa về tình hình tội phạm trong lĩnh vực hình sự và sự mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực dân sự đặc biệt là giao dịch dân sự về nhà đất cũng rất đa dạng, phong phú, giá trị nhà đất tăng đột biến thì mâu thuẫn, tranh chấp cũng tăng theo. Nhiều vụ việc phức tạp phải mất nhiều chu trình tố tụng và trải dài hàng chục năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm, án hủy, sửa qua các năm cũng tăng dần.

Bên cạnh đó, việc nhận thức pháp luật, quan điểm giải quyết trong hệ thống tư pháp có nơi chưa thống nhất nên đường lối giải quyết cũng không thống nhất.

Vì những thực tế trên, góp ý về công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV, cử tri Phạm Hoàng Lâm nhấn mạnh Quốc hội phải tiến hành hoạt động tổng kết luật đối với các bộ luật đã đến hạn hoặc quá hạn 5 năm như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Tố tụng Hành chính năm 2014; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…

Theo cử tri Phạm Hoàng Lâm, trong thực tiễn áp dụng luật trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định chờ hướng dẫn của quy định pháp luật khác hoặc cơ quan có thẩm quyền khác nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể.

Điển hình như các quy định từ Điều 26 đến Điều 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều có nội dung “trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật."

[Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về Chỉ thị 05]

Đến nay, chưa có văn bản nào tổng kết về trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật để các quy phạm từ Điều 26 đến Điều 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được hiểu thống nhất, rõ ràng hơn.

Hoặc trong Bộ luật Dân sự năm 2015, có một số điều luật có nội dung “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” như ở Điều 9, 11,13, 140… Việc xây dựng quy phạm với việc “bỏ ngỏ” như đã nêu có lợi là mở rộng được nội hàm của quy phạm nhưng bất lợi là làm cho việc áp dụng và nhận thức luật bị “đánh đố” vì việc áp dụng điều luật còn phụ thuộc vào một điều luật khác cần phải tìm hiểu thêm hoặc chưa biết vì chưa ban hành.

Từng công tác trong cơ quan tư pháp nên cử tri Phạm Hoàng Lâm mong muốn Quốc hội khóa XV cần tăng cường thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp; tăng cường kiểm tra, phối hợp với Chính phủ, bộ ngành để xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các đạo luật về tư pháp; định kỳ tổ chức việc tổng hợp, giải đáp những vướng mắc trong áp dụng pháp luật, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, sửa đổi kịp thời.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp

Ông Phạm Thành Chung, Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế (Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026), nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tất yếu, là tuyệt đối và có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt quá trình cách mạng, chi phối đến các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, đến mọi lĩnh vực hoạt động từ kinh tế-xã hội đến chính trị, từ văn hóa đến khoa học, từ ngoại giao đến quân sự, quốc phòng, an ninh… của quốc gia, dân tộc.

Luận điểm đúng đắn trên một lần nữa đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ trong bài viết quan trọng: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Trong tiến trình phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo và phát huy tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp nói riêng, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiện nay đứng trước yêu cầu mới, Nhà nước ta đang thực hiện những giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên các lĩnh vực, phục vụ hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Vận dụng vào thực tế tại tỉnh Nghệ An cho thấy trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp phối hợp tham mưu triển khai phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác tư pháp.

Tỉnh đã nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương; ban hành, hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách kết quả cụ thể như sau: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành từ năm 2011 đến năm 2020, cấp tỉnh là 1.077 văn bản; cấp huyện là 3.120 văn bản; cấp xã là 20.732 văn bản.

Công tác xây dựng pháp luật của tỉnh trong thời gian qua đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh, tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự-an toàn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế tại địa phương cho thấy công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập có nguyên nhân do khối lượng nhiệm vụ bổ sung cho ngành tư pháp trong thời gian qua nhiều, trong khi đó tổ chức, biên chế để triển khai nhiệm vụ còn bất cập; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế còn nhiều hạn chế, nhất là cấp xã; cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức trong ngành tư pháp chưa được quan tâm và hướng dẫn cụ thể...

Tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, gắn với đó vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục