Vận dụng mô hình bảo tồn nước ở Việt Nam, tỉnh Shiga giành giải thưởng

Tỉnh Shiga vừa đạt Giải thưởng Nước Nhật Bản (Japan Water Prize) lần thứ 23 nhờ sáng kiến vận dụng Mô hình hồ Biwa để hỗ trợ bảo tồn môi trường nước ở Việt Nam.
Vận dụng mô hình bảo tồn nước ở Việt Nam, tỉnh Shiga giành giải thưởng ảnh 1Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tỉnh Shiga vừa đạt Giải thưởng Nước Nhật Bản (Japan Water Prize) lần thứ 23 nhờ sáng kiến vận dụng Mô hình hồ Biwa để hỗ trợ bảo tồn môi trường nước ở Việt Nam. 

Ủy ban Giải thưởng Nước Nhật Bản đã đánh giá cao 2 dự án hỗ trợ bảo tồn môi trường nước ở Vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà của Shiga và các công ty thuộc tỉnh này.

Các dự án này gồm dự án hỗ trợ xây dựng thể chế hợp tác hướng tới cải thiện môi trường nước ở đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1) và dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh ở vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.

Đối với dự án ở đảo Cát Bà, Shiga đã hỗ trợ người dân địa phương thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khi vẫn bảo vệ môi trường và hệ sinh thái độc đáo bằng cách sử dụng các kiến thức tích lũy trong quá trình thực hiện Mô hình hồ Biwa.

Dự án này đã bước vào giai đoạn 2 nhưng chưa được triển khai toàn diện do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với dự án ở Vịnh Hạ Long, Shiga đã hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh, nơi đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái môi trường nước do tốc độ phát triển nhanh và sự gia tăng của khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua dự án đối tác công nghệ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Shiga đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ bằng cách sử dụng các công nghệ liên quan tới việc xử lý nước thải và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình thực hiện Mô hình hồ Biwa. 

Nằm ở miền Trung và được bao bọc bởi nhiều dãy núi, Shiga sở hữu hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản với tên gọi Biwa.

[Hà Nội nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ Tây]

Trong những năm 1970, chất lượng nước ở hồ Biwa đã xấu đi nghiêm trọng do dân số tăng và sự xuất hiện của hàng loạt các nhà máy mới cùng với nhiều nhân tố khác trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao của Nhật Bản. Hậu quả là vào cuối những năm 1970, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện. 

Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Shiga đã phối hợp với các viện nghiên cứu tiến hành phân tích và phát hiện nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do phốt-pho có trong các chất tẩy rửa tổng hợp.

Sau đó, chính quyền và người dân Shiga đã có nhiều nỗ lực để thay đổi tình hình. Đáng chú ý, vào tháng 7/1980, tỉnh Shiga đã thông qua quy định về việc xả thải phốtpho và nitơ ra hồ Biwa, đồng thời xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và phát triển các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến có khả năng loại bỏ phốtpho và nitơ trong nước thải.

Nhờ vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở hồ Biwa đã được giải quyết và giờ đây, Biwa đã trở thành một trong những thắng cảnh đẹp ở Nhật Bản.

Được thành lập năm 1998, Giải thưởng Nước Nhật Bản là một giải thưởng lớn ghi nhận các đóng góp của các tổ chức/cá nhân cho việc bảo vệ và cải thiện môi trường nước ở trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục