Vận dụng lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội trong xây dựng Thủ đô

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành ủy luôn xác định công tác cán bộ giữ vị trí then chốt của then chốt, là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Sáng 22/12, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Vận dụng sáng tạo một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại."

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Sáng tỏ các giá trị cốt lõi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiên trì với mục tiêu, lý tưởng đó, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo, cụ thể hóa đường lối cách mạng, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định “tam giác trụ cột” trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam bao gồm: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa về cơ bản bao quát hết những vấn đề căn cốt, cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành ba trụ cột nói trên đòi hỏi chúng ta phải nắm vững, quán triệt sâu sắc và xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề có tính quy luật mang tính biện chứng của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra...

Đây là mô hình và con đường phát triển riêng của Việt Nam, bởi vậy cùng với việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu tinh hoa và những giá trị phát triển của nhân loại, không nơi đâu có thể tổng kết, nghiên cứu tốt hơn là ngay chính từ thực tiễn Việt Nam.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tại thủ đô Hà Nội, thực tiễn hơn 90 năm qua, nhất là sau 35 đổi mới, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đối với công cuộc đổi mới đất nước.

Có được những thành tựu đó là do Đảng bộ thành phố đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan tâm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô trong từng giai đoạn phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh với nhận thức Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

[Đối ngoại kinh tế: Trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng bền vững Thủ đô]

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại…

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng được các cấp ủy đảng của Đảng bộ thành phố đặc biệt quan tâm. Do bám sát thực tiễn, tiến hành một cách khoa học, sáng tạo, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã giúp các cấp ủy, các cán bộ, đảng viên Đảng bộ Hà Nội nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác cán bộ giữ vị trí then chốt của then chốt, là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết Hà Nội tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô hiện đại

 Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố để sớm đưa các nghị quyết đi vào hiện thực cuộc sống nhằm xây dựng Thủ đô giàu mạnh.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thành phố đã xác định mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Để đạt mục tiêu đó, thành phố sẽ hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức. Hà Nội cũng phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Thành phố tập trung thu hút mạnh các nguồn lực, đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy hoạch, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính đột phá.

Thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đổi mới toàn diện hệ thống y tế Thủ đô; xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận toàn dân gắn với an ninh nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục