Giải vô địch đã thuộc về Mathive của Pháp, với giải thưởng trị giá 10.000 USD; giải nhì thuộc về vận động viên nữ duy nhất Emilia Plak của Ba Lan, với trị giá giải thưởng 3.000 và giải ba thuộc về Ryoya Igarashi của Nhật Bản, với giải thưởng trị giá 1.000USD.
Đây là lần đầu tiên, một môn thi đấu thể thao hàng không được tổ chức tại Việt Nam theo đúng các quy định của Liên đoàn thể thao hàng không thế giới (FAI).
Cuộc thi do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đăng cai, Công ty Cổ phần C.A.T.I tổ chức dưới sự tư vấn của Liên đoàn dù lượn và diều lượn Nhật Bản (JHF) và Công ty Airea-Nhật bản. Tất cả các vận động viên tham gia thi đấu đều phải có bằng lái dù bay được cấp do một Liên đoàn thể thao hàng không của một quốc gia là thành viên của FAI.
25 vận động viên môn dù bay từ nhiều nước trên thế giới; trong đó có ba vận động viên đến từ nước Pháp, một vận động viên Ba Lan, một vận động viên Hoa Kỳ và 20 vận động viên Nhật Bản, tranh tài với bốn nội dung bay tốc độ, bay lượn tránh chướng ngại vật, bay đội hình và bay cứu hộ.
Cuộc thi đã giới thiệu đến du khách và người dân thành phố những màn trình diễn dù bay đỉnh cao, nhằm quảng bá thương hiệu Đà Nẵng - thành phố du lịch, sự kiện, lễ hội. Cuộc thi dù bay bước đầu đặt nền móng cho sự phát triển của bộ môn dù bay cũng như tạo bước chuyển biến trong lĩnh vực thể thao hàng không tại Việt Nam.
Tại DIPR 2012, du khách có điều kiện cùng bay trải nghiệm với các vận động viên thế giới trên bầu trời Đà Nẵng với mức giá 1,3 triệu đồng/người/lượt. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động phụ trợ như vườn ẩm thực, vườn bia, vườn giải khát; không gian trưng bày triển lãm các sản phẩm làng nghề truyền thống, được giới thiệu các sản phẩm du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo DIPR 2012, Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012 đã tạo ra một thương hiệu mới cho thành phố Đà Nẵng. Đây cũng chính là một trong những nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm của thành phố trong việc tổ chức một lễ hội hoàn toàn mới lạ với mọi người nói chung và du khách nói riêng. Kinh phí cho việc tổ chức DIPR 2012 hoàn toàn từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp và không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ông Shin Kake, Tổng Giám đốc Cty Airea Nhật Bản, đơn vị tư vấn cuộc thi cho biết đây là lần đầu tiên tôi tư vấn cho một cuộc thi tầm quốc tế tại Đà Nẵng. Đà Nẵng có bãi cát biển dài và đẹp xen kẽ với núi, trời lại luôn trong xanh nên rất thuận tiện cho việc trình diễn dù bay.
Theo tôi, chủ nhà Đà Nẵng nên duy trì cuộc thi trong những năm tiếp theo để tạo ra một sản phẩm du lịch và tạo ra sân chơi mới và một điều mà tôi hy vọng là trong những cuộc thi năm sau sẽ có phi công của Việt Nam tham dự./.