Vận động sưu tầm kỷ vật-tư liệu của cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ

Cuộc vận động lần này được khởi xướng với mong muốn góp phần chung tay làm lành những vết thương chiến tranh, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người vẫn đang phải chịu nỗi đau chiến tranh.
Cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam" phiên bản tiếng Anh (American Pilots in Vietnam).

Ngày 12/7, lễ ra mắt cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam" phiên bản tiếng Anh (American Pilots in Vietnam); vận động sưu tầm kỷ vật, di vật, tư liệu liên quan đến các cựu binh Việt Nam và Mỹ; gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử chiến tranh, đã diễn ra tại Hà Nội.

Chương trình do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Nhà xuất bản Thế Giới, Nhóm Cựu chiến binh “Trái tim Người lính” tổ chức, nhân kỷ niệm 24 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ (12/7/1995-12/7/2019); kỷ niệm 75 năm lịch sử quan hệ Việt-Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng (1944-2019).

Tham dự chương trình có các nhân chứng là những tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã trực tiếp chiến đấu với lính bộ binh Mỹ trên chiến trường, cựu trại trưởng, cựu quản giáo tù binh Mỹ tại nhà giam Hỏa Lò, một số cựu phi công MIG 21 đã trực tiếp không chiến với phi công Mỹ trên bầu trời miền Bắc…

[Ra mắt sách về bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam]

Đại diện Ban tổ chức cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam), Nhóm “Trái tim người lính” phối hợp phát động cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng kỷ vật, di vật, tư liệu liên quan đến những cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ.

Theo Ban tổ chức, trong những năm qua đã có hàng nghìn kỷ vật, di vật, tư liệu quý mang giá trị nhân văn, thiêng liêng liên quan đến các cựu chiến binh Việt Nam đã được các cựu chiến binh Mỹ trao lại cho các Bảo tàng của Việt Nam và thân nhân các gia đình liệt sỹ ở khắp các địa phương, tỉnh thành trên cả nước…

Cuộc vận động lần này được khởi xướng với mong muốn góp phần chung tay làm lành những vết thương chiến tranh, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người vẫn đang phải chịu nỗi đau chiến tranh giữa thời bình.

Thời gian tiếp nhận hiện vật đợt I bắt đầu từ ngày 15/7/2019, kéo dài đến ngày 30/4/2020. Địa chỉ tiếp nhận các kỷ vật, di vật, tư liệu: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam, Nhóm Cựu chiến binh “Trái tim người lính”…

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), cho biết các kỷ vật, di vật, tư liệu sau khi được hiến tặng, sẽ được Trung tâm hỗ trợ bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn, để lưu giữ cho các thế hệ sau. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ phối hợp với các cơ quan, cá nhân liên quan thu thập, kết nối, tìm kiếm thông tin để trao trả lại kỷ vật của những người lính Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại Mỹ; trao trả kỷ vật của những người lính Mỹ hiện đang lưu trữ tại Việt Nam.

Kết thúc đợt I của cuộc vận động, các kỷ vật, di vật, tư liệu sẽ được tổng hợp, trưng bày trong chuỗi các triển lãm do các cơ quan lưu trữ của Việt Nam và Mỹ phối hợp thực hiện tại hai nước, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam (30/4/1975-30/4/2020).

Nhân dịp này, Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng ra mắt cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” phiên bản tiếng Anh (American Pilots in Vietnam). Cuốn sách là công trình được tác giả dày công sưu tầm tư liệu, thực hiện trong 16 năm (1997-2013). Phiên bản tiếng Anh của “Phi công Mỹ ở Việt Nam” được thực hiện ở khâu chuyển ngữ, hiệu đính từ năm 2018./.

Ảnh từ phải sang: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân John Shalikashvili, Bộ trưởng Quốc phòng Leslie Aspin, Jr tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 3/2/1994 về việc công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN phát)
Ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam phát biểu trong buổi dạ hội nhân dịp Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, tối 4/2/1994, tại khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội). (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. (Nguồn: TTXVN phát)
Sáng 12/7/1995, tại Hà Nội (11/7 theo giờ Mỹ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Lễ kéo cờ và gắn biển khai trương Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngày 6/8/1995 tại số nhà 7 Láng Hạ, Hà Nội trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Lễ ký kết hợp đồng tư vấn giám sát thi công khôi phục Quốc lộ 1 giữa Ban Quản lý dự án Quốc lộ 1 với Liên doanh Louis Berger và DeLeeuw Carter (Hoa Kỳ), ngày 10/6/1995. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Ngày 13/11/1996, tại Hà Nội, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain gặp lại cụ Mai Văn Ổn, người mà 29 năm trước (ngày 26/10/1967) đã bắt và cứu ông. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Phu nhân gặp gỡ nạn nhân do bom mìn Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 18/11/2000. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 17/11/2000. (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, ngày 17/11/2000, Phu nhân Tổng thống, bà Hillary Clinton và con gái đến thăm Quỹ tín dụng người nghèo của phụ nữ xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X, ngày 23/11/2001. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates tới thăm và giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 22/4/2006. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush chơi đàn bầu – nhạc cụ truyền thống của Việt Nam trong bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-20/11/2006. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 18-23/6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chứng kiến lễ ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Trung ương (TIFA). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 25/6/2008, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 23-26/6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giáo dục giữa hai nước. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ngày 22/7/2010 tại Hà Nội, với sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 25/7/2013, tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng, Thủ đô Washington D.C trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam, ngày 26/7/2013, tại New York, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 24-26/7/2013. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ cắt băng khánh thành và trao chìa khóa bàn giao chiếc máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner giữa Tập đoàn Boeing và Vietnam Airlines, tại sân bay Ronald Reagan ở Thủ đô Washington D.C, ngày 6/7/2015, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6 - 10/7/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 8/7/2015, nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trao Thư chấp thuận chủ trương cấp phép cho Citibank mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tọa đàm với doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. Đây là chuyền thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 31/8-9/9/2015, chiều 9/9/2015, tại thủ đô Washington D.C, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Phủ Chủ tịch, sáng 23/5/2016 trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 22-24/5/2016. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Sáng 23/5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 23-24/5/2016. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Ông Barack Obama là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 liên tiếp thăm Việt Nam khi còn đương nhiệm. Trong ảnh: Tối 23/5, Tổng thống Barack Obama đến dùng bữa tối tại quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng thống Donald Trump đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, ngày 31/5/2017, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 29-31/5/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 31/5/2017, tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, Tổng thống Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ từ 29-31/5/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross chứng kiến lễ trao văn kiện thỏa thuận về hợp tác thương mại và đầu tư, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 29-31/5/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung khi tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, ngày 11/11/2017. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 từ 11-12/11/2017. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 từ 11-12/11/2017. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bức họa chân dung cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, ngày 11-12/11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 trong 2 ngày 11-12/11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, từ 11-12/11/2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân và ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam ký Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại về xử lý dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), ngày 11/5/2018. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Lễ ký bản ghi nhận ý định giữa Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa, Việt Nam (2018). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai, sáng 27/2/2019 tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đón và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ trong hai ngày 22-23/5/2019. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)
Giáo viên, học sinh Trường tiểu học Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hoá) chào đón ông Christopher tại ngôi trường do ông đầu tư xây dựng nhân dịp ông trở lại thăm. Ông Christopher Carpenter, quốc tịch Hoa Kỳ, là người thành lập quỹ Dự án nhỏ Việt Nam (FMV) bằng nguồn tiền cá nhân 1,2 triệu USD do ông tiết kiệm được để hỗ trợ cho các xã nghèo của Viêt Nam. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)
Ông Doc Berrie Duff, Trưởng đoàn Cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Mỹ) giao lưu với trẻ em Làng Hòa Bình-Thanh Xuân, sau chuyến bộ 2 tháng (5/4-1/6/2008) từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Cựu binh Mỹ quét vôi ngôi nhà mới của một nạn nhân bom mìn trong chiến tranh ở xã Hài Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, trong chuyến thăm và làm việc tại một số địa phương của Việt Nam của Đoàn đại biểu Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ (VVMF) từ 19-26/8/2007. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)
Chương trình giao lưu giữa 200 trẻ em là con thương binh, liệt sỹ, trẻ em nghèo hiếu học các tỉnh phía Nam với cựu chiến binh Hoa Kỳ, do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Tổ chức Hỗ trợ giáo dục Hoa Kỳ (REAP) tổ chức ngày 15/7/2002, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục