“Vận đen” vẫn đeo bám hãng hàng không Malaysia Airlines sau thảm họa MH370

Mặc dù Malaysia Airlines chỉ mới trở lại trạng thái có lãi (lần đầu tiên kể từ năm 2010), nhưng hãng này vẫn đang phải vật lộn để đối phó với một “cơn bão” khó khăn bủa vây.
Máy bay của hãng Malaysia Airlines. (Nguồn: The Edge Malaysia)

Hơn 10 năm sau khi chiếc máy bay mang ký hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, “vận đen” vẫn đang đeo bám hãng hàng không quốc gia Malaysia này.

Trang tin The Edge Malaysia nhận định mặc dù Malaysia Airlines chỉ mới trở lại trạng thái có lãi (lần đầu tiên kể từ năm 2010) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2023, nhưng hãng này vẫn đang phải vật lộn để đối phó với một “cơn bão” khó khăn bủa vây.

Theo The Edge Malaysia, ba tháng qua là quãng thời gian đặc biệt khó khăn đối với hãng hàng không quốc gia Malaysia. Hoạt động của hãng bị ảnh hưởng bởi một loạt các chuyến bay gián đoạn do máy bay hỏng hóc, chậm trễ trong việc thay thế đội tàu bay cũ và đội ngũ kỹ sư lành nghề ra đi.

Tuần trước, Malaysia Airlines đã tuyên bố cắt giảm 20% mạng lưới khai thác để đảm bảo độ tin cậy và ổn định của các dịch vụ. Tiếp đó, sau một cuộc kiểm toán kỹ thuật, Cục Hàng không Dân dụng Malaysia ra yêu cầu giảm thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác hàng không của Malaysia Airlines từ 3 năm xuống còn 1 năm.

Một bức bích họa máy bay MH370 tại Shah Alam, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông báo của Cơ quan quản lý hàng không Malaysia nêu rõ hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines có 6 tháng để nâng cao độ tin cậy của đội tàu bay, tuyển dụng công nhân lành nghề để tăng cường bộ phận kỹ thuật và giảm sự phụ thuộc vào bên thứ ba đối với các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO).

Hãng này cũng phải giải quyết vấn đề bổ sung phụ tùng thay thế bằng các sản phẩm từ các nhà sản xuất thiết bị gốc, để đảm bảo sửa chữa nhanh chóng các máy bay.

Đã có một số chỉ trích về việc thành lập 2 trung tâm MRO cạnh tranh ở Subang (bang Selangor) khiến Malaysia Airlines mất đi đội ngũ kỹ thuật.

Mặc dù các MRO mới đang trở thành đối thủ cạnh tranh của Malaysia Airlines, nhưng đây không phải là nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề buộc hãng hàng không quốc gia này phải cắt giảm mạng lưới.

Malaysia Airlines đã gặp phải sự kết hợp của nhiều vấn đề xảy ra cùng một lúc. Hơn nữa, việc để mất nhân viên giỏi vào tay các công ty từ Singapore là vấn đề dai dẳng không chỉ đối với Malaysia Airlines mà còn đối với nhiều công ty khác ở thị trường Đông Nam Á.

Các hãng hàng không lớn hơn đã đầu tư mạnh vào máy bay mới trước Malaysia Airlines rất nhiều và có đội bay lớn hơn. Ví dụ như Singapore Airlines có sẵn một kho phụ tùng máy bay để khắc phục sự cố động cơ ngay lập tức.

Tuần trước, một chiếc máy bay thuộc hãng Scoot, phiên bản giá rẻ của Singapore Airlines, bay từ Melbourne, Australia đã phải hạ cánh xuống Jakarta, Indonesia do trục trặc động cơ.

Trong vòng vài giờ, phụ tùng thay thế và máy bay thay thế đã được gửi đến Jakarta để đưa hành khách đến và sửa chữa máy bay bị ảnh hưởng.

Hiện tại, ngay cả hãng hàng không AirAsia, một hãng bay giá rẻ của Malaysia cũng có đội bay lớn hơn Malaysia Airlines, với 216 máy bay Airbus và có khả năng chống chịu bão tốt hơn.

Ưu điểm của việc chỉ hợp tác với một nhà sản xuất là tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng, dễ dàng tìm nguồn phụ tùng thay thế và giảm chi phí đào tạo phi công.

Malaysia Airlines có sự kết hợp giữa máy bay thân hẹp mua từ nhà sản xuất máy bay Boeing và máy bay thân rộng từ một nhà sản xuất máy bay khác là Airbus với tổng số 70 chiếc.

Trong khuôn khổ đổi mới đội bay, Malaysia Airlines dự kiến sẽ mua 17 máy bay mới từ Boeing trong năm nay và 4 máy bay từ Airbus. Tuy nhiên, Boeing đến nay mới chỉ giao được 4 máy bay và Airbus sẽ giao 1 chiếc thân rộng vào cuối năm nay.

Mặc dù có đội bay Airbus lớn nhưng AirAsia vẫn gặp khá nhiều vấn đề. Hãng cũng bị chậm trễ và gián đoạn dịch vụ nhưng không bị chỉ trích nhiều như hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines vì một số lý do.

Chủ yếu là phân khúc khách hàng của AirAsia khác với Malaysia Airlines. Hãng hàng không giá rẻ (LCC) phục vụ các điểm đến cách nhau từ 3-5 giờ bay và khai thác nhiều chuyến bay mỗi ngày.

Có những trường hợp các chuyến bay có giờ khởi hành gần nhau được sáp nhập. Hành khách phàn nàn nhưng họ chấp nhận bị chậm trễ vài giờ.

AirAsia thậm chí còn hoãn các chuyến bay quốc tế trong khu vực nhưng có thông báo trước. Không ai thích bị chậm chuyến bay, nhưng phần lớn những người lựa chọn bay với AirAsia hoặc các hãng hàng không giá rẻ khác đều chấp nhận thực tế là giá vé rẻ hơn đi kèm với những vấn đề riêng.

Thông thường, những hành khách có lịch trình chặt chẽ sẽ sử dụng các hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Malaysia Airlines. Đó là lý do khi hãng hàng không quốc gia này hủy chuyến bay hoặc có sự gián đoạn thì đó là điều không thể chấp nhận.

Một chiếc máy bay Boeing 737-800 của Malaysia Airlines sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur do trục trặc động cơ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, Malaysia Airlines không phải là hãng duy nhất tụt hậu về dịch vụ. Rất nhiều hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á và thế giới đều phải đối mặt với sự gián đoạn trong lịch trình bay của họ trong những tháng gần đây.

Theo số liệu thống kê do Ủy ban Hàng không Malaysia (Mavcom) cung cấp, 4 hãng hàng không lớn được thành lập tại Malaysia đã không thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ đúng giờ vào tháng 7/2024 dựa trên các chuyến bay được khai thác từ cả hai sân bay ở Sepang (bang Selangor).

Tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất của hãng hàng không Mavcom là tỷ lệ Hiệu suất đúng giờ (OTP) trên 85%. Tỷ lệ OTP được đánh giá trên các chuyến bay khởi hành trong vòng 15 phút so với thời gian dự kiến.

Trong tháng 7/2024, tỷ lệ OTP của AirAsia cho các chuyến bay nội địa là 68,9% trong khi Malaysia Airlines ghi nhận 67,2% và Batik Air - hãng hàng không nội địa thứ ba đạt 74,4%.

Đối với các chuyến bay quốc tế, tỷ lệ OTP của Malaysia Airlines vào tháng 7/2024 là thấp nhất ở mức 56,9% trong khi AirAsia là 65,6%, AirAsia X là 77,4% và Batik Air đạt 58,8%.

Những số liệu thống kê này không tính đến tần suất hoặc thời gian bay của các chuyến bay. Với hơn 50% thị phần nội địa, AirAsia có nhiều chuyến bay hơn trong nước và khu vực. Malaysia Airlines chiếm phần lớn các chuyến bay có thời gian bay hơn 7 giờ.

Trên trường quốc tế, Cathay Pacific đã phải hủy 34 chuyến bay khứ hồi trong vài ngày bắt đầu từ ngày 4/9 do lo ngại về sự cố động cơ trên đội bay Airbus A350.

Wizz Air đã phải cắt giảm mạng lưới do sự cố động cơ trên máy bay trong khi British Airways đã hủy nhiều chuyến bay từ Sân bay Heathrow trong năm qua, nhiều hơn so với hãng hàng không giá rẻ EasyJet Airways.

Malaysia Airlines không phải là hãng hàng không duy nhất bị phụ thuộc vào Boeing để giao máy bay mới. Alaska Airlines và United Airlines, những hãng hàng không mua nhiều máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing nhất, đã bày tỏ sự lo lắng về sự chậm trễ trong sản xuất của Boeing./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục