“Vận đen” liên tục đeo bám các hãng hàng không thế giới

Được coi là một trong những hình thức vận chuyển an toàn và tiện lợi nhất song ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt với nhiều “vận xui" do rơi máy bay.
Mảnh vỡ máy bay Nga A321 tại hiện trường vụ rơi ở Wadi al-Zolomat, bán đảo Sinai, Ai Cập ngày 1/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Được coi là một trong những hình thức vận chuyển an toàn và tiện lợi nhất song ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt với nhiều “vận xui” gần đây, tác động tiêu cực đến các hãng hàng không nói riêng và tình hình kinh tế thế giới nói chung.

Đầu tiên có thể kể đến vụ máy bay A321 của Hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia (Nga) bị rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính thức nhưng vụ tai nạn này là một đòn giáng mạnh vào các hãng vận tải hàng không, công ty lữ hành, bảo hiểm và các nhà sản xuất máy bay trên thế giới.

Không những thế, ngành du lịch Ai Cập, vốn là một trụ cột của nền kinh tế đang phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm biến động chính trị, cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi lần lượt Nga, Anh, Hà Lan, Đức và Ireland đã quyết định ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ sân bay Sharm el-Sheikh và đồng loạt triển khai rút toàn bộ du khách đang có mặt tại Ai Cập hồi hương.

Ước tính, ngành du lịch Ai Cập - đang đóng góp11,3% GDP và 14% nguồn dự trữ ngoại tệ của "đất nước Kim Tự Tháp - sẽ để mất khoảng 70% số khách du lịch nếu toàn bộ du khách đến từ Anh quốc và Nga quay trở về nước.

Hiệp hội các nhà kinh doanh tour du lịch Nga (ATOR) cũng dự báo số lượng khách đặt các tour du lịch sẽ giảm. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất thuộc về các hãng vận tải hàng không khi hình ảnh của họ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh những hãng này vẫn đang phải đối phó với nhiều khó khăn.

Bất cứ thảm họa nào đều là "cú đòn" giáng mạnh vào các nhà chế tạo máy bay, dù không phát hiện ra lỗi trực tiếp của nhà sản xuất. Họ không chỉ bị thiệt hại về hình ảnh mà các khách hàng tiềm năng cũng cân nhắc chuyển sang mua máy bay của đối thủ cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng tương lai của Airbus - nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới - hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra.

Không chỉ có hàng không Nga mà các hãng hàng không khác của thế giới cũng trải qua nhiều “cơn ác mộng” khác nhau. Tại Đức và Australia, những cuộc biểu tình liên tiếp của tiếp viên và công nhân thuộc Lực lượng Bảo vệ Biên giới để đòi quyền lợi đã khiến các hãng hàng không và hành khách điêu đứng.

Ban quản lý hãng hàng không lớn nhất nước Đức Lufthansa cho biết việc các tiếp viên liên tục đình công trong các ngày 7-8/11 đã khiến hãng phải thông báo hủy trên 800 chuyến bay, khiến 95.000 hành khách bị mắc kẹt hoặc phải ngủ qua đêm ngay tại sân bay Frankfurt/Main, nơi hãng này đã bố trí khẩn cấp 1.500 giường ngủ.

Tại Australia, hơn 5.000 công nhân thuộc Lực lượng Bảo vệ Biên giới Australia thực thi việc kiểm tra hộ chiếu, thẻ nhập cảnh, kiểm tra hàng hóa và các nhiệm vụ khác ở cảng hàng không đã bắt đầu cuộc tổng đình công trong vòng 24 giờ, từ sáng 9/11 vừa qua, khiến hoạt động của tám sân bay quốc tế trên khắp Australia theo dự kiến sẽ bị đình trệ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khách du lịch.

Trong khi đó, ngành hàng không Indonesia cũng chịu tổn thất rất lớn vì hệ lụy gây ra bởi khói bụi phát sinh từ các vụ cháy rừng và đất tại một số tỉnh trong cả nước với hàng trăm chuyến bay bị hoãn và hủy, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hành khách những tuần gần đây.

Giám đốc thương mại của Hãng hàng không Citilink Indonesia, Hans Nugroho cho biết mây mù dày đặc ở một số tỉnh tại Indonesia trong một thời gian dài đã buộc hãng phải hủy nhiều chuyến bay.

Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng đã chủ động hủy chuyến hoặc chọn phương tiện di chuyển khác do lo ngại về an toàn hoặc bị hoãn chuyến. Thiệt hại của hãng ước tính lên đến 25 tỷ rupiah (tương đương 2 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục