Cuộc khủng hoảng Ukraine hiên nay có thể được coi là cuộc đối đầu Đông Tây, hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
[Chuyên gia Nga: Mỹ đang tìm cách lật đổ Tổng thống Putin]
Trong cuộc trò chuyện với tờ Rossyiskaya Gazeta, chuyên gia chính trị học hàng đầu của Nga Sergei Karaganov nhận định Nga đã từ chối chơi theo luật cũ của phương Tây và điều này phản ánh xu thế chung trong thế giới đa cực như hiện nay.
Liệu có thể khẳng định rằng, nhiệm vụ đang đặt ra cho đại sứ mới của Mỹ tại Nga, có khả năng là ông John Tefft, là đóng băng quan hệ với Nga?
Sergei Karaganov: Тefft khác với đại sứ tiền nhiệm Michael McFaul ở chỗ là ông ấy là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông ấy sẽ làm việc mà người ta giao cho. Nếu họ (Washington) chỉ thị cho ông ấy cài đặt quan hệ, thì ông ấy sẽ thực hiện thành công hơn những gì McFaul đã làm. Trong hoạt động ngoại giao của mình ông McFaul được thúc đẩy bởi niềm tin cá nhân và lòng trung thành.
Ông có cho rằng, với sự bổ nhiệm John Tefft làm Đại sứ, đối thoại giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ sẽ không bị gián đoạn?
Sergei Karaganov: Tôi nghĩ rằng, đối thoại sẽ không thể bị gián đoạn. Nhưng cần phải hiểu rằng, chúng ta hiện này đang ở trong giai đoạn đầu của việc triển khai khủng hoảng. Trung tâm của nó là Ukraine.
Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc khủng hoảng thực sự mang tính chất sâu sắc hơn nhiều. Nó nằm ở chỗ là Nga không muốn chơi theo nguyên tắc người ta đã đặt ra trước đây, những nguyên tắc mà tôi gọi là “nắm đấm bọc nhung.” Đây là chính sách mà đã được tiến hành bởi các nước châu Âu chiến thắng áp đặt với Đức sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Khi đó, người châu Âu vốn được thúc đẩy bởi lòng tham và thù ghét với tổn hại đã mất trong cuộc chiến với Đức, đã buộc Berlin và nhân dân Đức chấp thuận điều kiện hòa bình nhục nhã, đòi tiền bồi thường và lãnh thổ. Hệ quả của nó là mảnh đất màu mỡ để người ta chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ hai. Tiếc là, một chính sách tương tự như vậy cũng đã được tiến hành nhằm vào Nga, mặc dù ở hình thức mềm mỏng hơn.
Vậy đâu là trật tự thế giới mới?
Trong tình hình xung quanh Ukraine, Nga đã từ chối chơi theo luật cũ của phương Tây. Đằng sau sự từ chối này là xu thế sâu sắc hơn: ngày càng có nhiều nước đang từ chối chơi theo nguyên tắc cũ của phương Tây.
Thế giới đang ngày càng ít ủng hộ phương Tây hơn. Và mặc dù Nga theo tính cách và lòng can đảm của mình đã công khai đặt ra cho phương Tây những thách thức, tất cả đều hiểu rằng, ở phía sau nước Nga là các quốc gia lớn mạnh mới, họ cũng muốn có chiến thắng. Bởi vậy, những gì đang diễn ra hôm nay có thể là bước ngoặt lớn tiềm năng trong quan hệ giữa thế giới và phương Tây.
Nhưng cần phải hiểu cả những nguy cơ. Nước Nga đã bước vào trận đối kháng hạng nặng. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không thua. Chúng ta sẽ chặn đứng cuộc Chiến tranh Lạnh đã được tiếp tục ở châu Âu. Và có thể, qua một vài năm, chúng ta sẽ ký kết một thỏa thuận mới về Liên minh châu Âu gồm cả Nga, cả các nước EU, cả Ukraine (khi đó không bị giằng xé bởi mâu thuẫn và các lực lượng bên ngoài), cả Moldova, cả các nước vùng Kavkaz và Thổ Nhĩ Kỳ.
Và thế giới sẽ chiến thắng. Trụ cột thứ 3 của thế giới sẽ xuất hiện. Hệ thống hai trụ cột được xây dựng bởi trục Trung Quốc – Mỹ vốn dĩ không bền vững. Sẽ là tốt hơn khi có cả Nga, châu Âu và cả phần còn lại của thế giới./.