Năm 2017 đã bắt đầu một cách hết sức thú vị khi giờ đây Donald Trump đã trở thành tổng thống, và tin tức giả là một hiện tượng được thảo luận rộng rãi.
Mặc dù định nghĩa chính xác của "tin tức giả" đã bị bóp méo nghiêm trọng khi nhiều người (trong đó có bản thân ông Trump) đã và đang sử dụng bừa bãi thuật ngữ này như một lời lăng mạ đối với bất kỳ ai mà họ không đồng tình, các dữ liệu cho thấy nó vẫn là một chủ đề được nhiều người trên toàn thế giới quan tâm.
Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, phạm vi bao phủ của tin tức giả đã được mở rộng, trong khi các phóng viên cố gắng giải thích tại sao những người chủ yếu thu thập tin tức thông qua các mạng xã hội không thể tự phân biệt được đâu là tin tức sai lệch, đâu là tin tức thật, và việc mua quảng cáo tự động tạo điều kiện ra sao cho hệ sinh thái tin tức giả.
"Khi các phóng viên vạch trần nguồn gốc của nhiều tin tức giả, bản chất toàn cầu của mua bán theo chương trình đã lộ ra," nhà phân tích Susan Bidel của Forrester cho biết.
Độ bao phủ của truyền thông
Trong vài tháng, giới báo chí đã đưa tin về tin tức giả một cách sâu rộng. Brandwatch cho biết kể từ đầu tháng 10, đã có khoảng 54.000 tin bài có từ "tin tức giả" trong tít.
Biểu đồ dưới đây cho thấy các tin bài bắt đầu xuất hiện ồ ạt sau cuộc bầu cử.
Một phát ngôn viên của MediaMath cho biết nhận thức về tin tức giả đã gia tăng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử vì tin tức giả được đưa ra để khiến các cử tri bối rối và để gây ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử.
Trước đó, tin tức giả chỉ xuất hiện trên các trang web không phổ biến và được phân phối với số lượng ít hơn.
Độ bao phủ quốc tế
Độ bao phủ báo chí của các tin tức giả đã mở rộng ra bên ngoài biên giới nước Mỹ. Dữ liệu của Brandwatch chỉ theo dõi các hoạt động bằng tiếng Anh.
Nhưng bên ngoài nước Mỹ, có khoảng 10.000 tin bài có từ "tin tức giả" trong tít kể từ tháng 10 tới nay. Anh có số lượng tin bài lớn nhất: khoảng 2.000 tin bài.
"Đây là một vấn đề toàn cầu," Bidel nói. "Tin tức giả sẽ ̀luôn là một vấn đề chừng nào những người tạo ra tin tức giả vẫn có thể kiếm tiền."
Sự tự tin của người dùng
Bất chấp số lượng lớn tin tức về những người bị lừa bởi các tin bài sai sự thật, một báo cáo gần đây của Pew đã cho thấy phần lớn số người được hỏi đều tin vào khả năng phát hiện tin tức giả của mình. Nhưng niềm tin đó đã bị đặt sai chỗ.
Các nền tảng xã hội
Có rất nhiều yếu tố có thể bị đổ lỗi khi nhắc tới các nội dung có thể gây hiểu lầm. Nhưng vai trò của truyền thông xã hội trong việc tạo điều kiện cho sự lan truyền của thông tin sai sự thật là không thể bị bỏ qua.
Theo báo cáo của BuzzFeed, các câu chuyện bịa đặt đã được chia sẻ thường xuyên hơn sau khi Facebook thay đổi thuật toán của mình để ưu tiên bài đăng của bạn bè thay vì của các nhà xuất bản.
Thậm chí đáng lo ngại hơn, kết quả điều tra của BuzzFeed và Ipsos Public Affairs cho biết những người dùng Facebook làm nguồn cung cấp tin tức chính tin vào các tít bài sai sự thật với tỷ lệ 83%.
Sau khi phủ nhận vai trò của mình trong vấn đề này, Facebook đã có nỗ lực xử lý vấn đề này khi tài trợ cho các sáng kiến kiểm chứng sự thật, thuê một đơn vị kết nối truyền thông và cấm các trang web đăng tin giả trên mạng lưới của họ. Nhưng điều này là chưa đủ để ngăn không cho các thông tin sai lệch được lan truyền.
"Mặc dù tất cả các bước mà các thực thể này đã thực hiện để ngăn chặn tin tức giả là rất đáng quý," Bidel nhận xét, "chừng nào những người tạo ra tin tức giả có thể kiếm được tiền, vấn đề sẽ vẫn còn đó."