Nhận định thu hồi đất là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, tại Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 25/2, tại thành phố Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn mục đích, tiêu chí trường hợp phải tiến hành thu hồi để hạn chế tiêu cực.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho rằng dự thảo luật lần này cần làm rõ hơn khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội.
Đại diện tỉnh Lạng Sơn đề xuất dự thảo luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh”.
“Đây là vấn đề nhạy cảm, thời gian qua nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy, để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh bất cập trong quá trình thực hiện, dự thảo luật cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi. Đặc biệt, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi,” ông Quỳnh nói.
['Cần ngăn hiện tượng lợi dụng chính sách đất đai làm giàu cho cá nhân']
Ngoài ra, theo ông Quỳnh, dự thảo luật cũng cần quy định rõ việc bồi thường khi thu hồi các loại đất không phải là đất ở để thực hiện các dự án “nhà ở thương mại.” Lý do là thực tế trong thời gian qua đã từng xảy ra việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, người dân có đất bị thu hồi được đền bù hàng trăm m2 đất nhưng không mua được đất trên chính mảnh đất của họ bị thu hồi.
Trong khi đó, đại diện thành phố Hải Phòng cho rằng đối với các trường hợp doanh nghiệp vi phạm đất đai đã bị xử phạt, nhưng sau thời gian gia hạn vẫn không đưa vào sửa dụng thì cần phải thu hồi đất, để hạn chế dự án "treo" gây lãng phí đất đai.
Đóng góp ý kiến về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng để đảm bảo thống nhất đất đai thuộc sở hữu toàn dân và đồng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị luật sửa theo hướng thu hẹp các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất, tăng các trường hợp thu hồi đất.
Trong khi đó, góp ý về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại diện tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần thể chế hóa rõ hơn các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, như việc cụ thể hóa các tiêu chí về nơi ở mới thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ.” Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định rõ việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước và người dân. Trong đó, nhà nước cần phải làm tốt quy hoạch, bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực, địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo sự phân bổ này bền vững cho kinh tế-xã hội,...
“Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng. Vì thế, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục lắng nghe, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hoá, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau./.