Theo trang mạng orfonline.org, trong lúc khu vực đang diễn ra một loạt các hoạt động ngoại giao trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng tới, đã xuất hiện một lập trường vững chắc về một vấn đề cụ thể, đó là vấn đề Palestine.
Lập trường này đã được nhắc lại trong chuyến công du khu vực gần đây của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, cũng như trong các cuộc hội đàm giữa Quốc vương Abdullah của Jordan và các nhà lãnh đạo của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.
Và trong khi khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức - từ các cuộc xung đột ở Syria, Yemen và Libya cho đến tác động của biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, chưa kể vai trò gây tranh cãi của Iran và các tổ chức phi nhà nước, Palestine vẫn là vấn đề trọng tâm đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Cả ở Cairo và Amman, Riyadh đều nhấn mạnh cam kết tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine phù hợp với giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
[Israel bán nhiều vũ khí cho các nước Arab sau bình thường hoá quan hệ]
Lập trường không khoan nhượng của Saudi Arabia đã bác bỏ những đồn đoán của giới truyền thông về sự ủng hộ vững chắc của nước này đối với quyền tự quyết của người Palestine.
Thực tế là phương Tây đang tập trung vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với an ninh quốc gia châu Âu.
Mặc dù vậy, đối với khu vực Trung Đông, việc Israel không chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Trung Đông và rộng hơn thế.
Hai năm sau khi hai quốc gia Arab ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Israel theo Hiệp định Abraham, vấn đề Palestine vẫn là một trở ngại cho quá trình bình thường hóa hoàn toàn.
Các sự kiện trong năm qua đã chứng minh rằng, ngay cả khi thế giới phớt lờ người Palestine và cuộc đấu tranh giải phóng của họ, bản thân Israel không bao giờ có thể có được an ninh đầy đủ và trạng thái bình thường do hậu quả của việc chiếm đóng.
Nhu cầu về một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine không chỉ đáp ứng lợi ích của các nước Arab mà còn vì cả lợi ích của chính Israel nếu nước này muốn được đối xử như một quốc gia bình thường.
Không thể tưởng tượng được rằng việc chiếm đóng và xâm lược lãnh thổ của người Palestine một cách thô bạo lại có thể được phần còn lại của thế giới chấp nhận.
Vấn đề là việc Israel chiếm đóng và xây dựng khu định cư bất hợp pháp đang khiến giải pháp hai nhà nước không thể thực hiện được. Điều này đẩy cả người Palestine và Israel đến những lựa chọn thay thế khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm và tự chuốc lấy thất bại.
Hoặc là đưa hơn 3 triệu người Palestine ở Bờ Tây trở thành công dân đầy đủ của Nhà nước Israel hoặc tiếp tục sự cai trị quân sự khu vực này vô thời hạn nhưng không bền vững.
Bản thân Israel cũng chưa đưa ra câu trả lời cho tình huống khó xử này. Cho đến nay, Israel vi phạm tất cả các công ước, luật pháp quốc tế và nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc xung đột.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và của Israel đã gắn mác nước này là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Israel đang phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Tuần nào cũng xảy ra các vụ binh lính và những người định cư cực đoan sát hại người Palestine. Điều này có thể tiếp diễn trong bao lâu trước khi thế giới hành động?
Các chính trị gia cực hữu của Israel, phát triển mạnh mẽ hơn sau mỗi kỳ bầu cử, đang xem xét các biện pháp cực đoan, thậm chí là bất hợp pháp, bao gồm việc cưỡng chế người Palestine ra khỏi Bờ Tây.
Những người khác chọn các giải pháp nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như sáp nhập các khu vực chính của vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và để lại các khu vực đô thị bị tách rời của người Palestine, như Bantustans, để họ tự xoay sở. Một đề xuất khác đề nghị trao trách nhiệm quản lý các cụm dân cư này cho Jordan.
Mặc dù Israel vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho vấn đề quan trọng này, nhưng sự bế tắc đang biến việc chiếm đóng của họ trở thành một khó khăn cho việc thực thi pháp luật quốc tế.
Câu hỏi liên tục được đặt ra là về tiêu chuẩn kép và cách thức phương Tây phản ứng trước việc Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, trong khi lại nhắm mắt làm ngơ trước việc Israel chiếm đóng các vùng đất của người Palestine suốt 5 thập kỷ qua.
Chuyến thăm của Biden đến Israel và thành phố Ramallah ở trung tâm Bờ Tây vào trung tuần tháng 7 tới sẽ không thay đổi thực tế mà người Palestine phải đối mặt.
Mặc dù chính quyền hiện tại của Mỹ cho biết họ ủng hộ giải pháp hai nhà nước, họ đã chọn không tham gia vào việc khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình hoặc gây áp lực buộc Israel ngừng xây dựng khu định cư bất hợp pháp.
Tình hình càng phức tạp hơn khi Israel đang thúc đẩy kế hoạch cắt ngân sách của UNRWA (Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc) và vĩnh viễn xóa bỏ quyền hoạt động trở lại của tổ chức này.
Các nước Arab đã bình thường hóa quan hệ với Israel tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước và coi Bờ Tây là lãnh thổ bị chiếm đóng. Mặc dù lập trường như vậy chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nó vẫn quan trọng.
Đây cũng là quan điểm mà Tổng thống Biden sẽ được nghe từ các nhà lãnh đạo Arab trong chuyến thăm sắp tới của ông.
Trong khi Israel đang cố gắng áp đặt chương trình nghị sự của họ trong khu vực và làm chệch hướng sự chú ý khỏi vấn đề Palestine, thực tế là thời gian chiếm đóng càng kéo dài thì càng khó tìm ra giải pháp.
Người Palestine sẽ không bao giờ từ bỏ quyền tự quyết của họ và cả Israel và Palestine đều đã vượt qua điểm không thể quay lại đối với giải pháp hai nhà nước, khiến họ phải đối mặt với những lựa chọn bất khả thi.
Sự thật phũ phàng là, ngay cả khi thế giới tiếp tục phớt lờ vấn đề Palestine, thì chính Israel sẽ buộc phải tìm kiếm một giải pháp. Việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine là một quả bom hẹn giờ và là gót chân Achilles của Israel./.