Ngày 10/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng tích cực hợp tác đa phương là cách duy nhất cộng đồng quốc tế có thể làm để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, bởi các biện pháp đơn phương là chưa đủ hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc diễn ra tại Marrakesh (Maroc), Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Điều quan trọng là chúng ta cùng nhau đấu tranh chống lại nạn di cư bất hợp pháp để bảo vệ công dân của mình. Rõ ràng các nỗ lực quốc gia đơn phương sẽ không giải quyết vấn đề này, mà chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác đa phương."
[Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư được thông qua tại Maroc]
Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Hội nghị Liên hợp quốc tại Maroc với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới đã thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố hiệp ước này là cơ cấu khung cho hợp tác quốc tế.
Trước đó, một số nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) như Cộng hòa Séc, Áo và Bulgaria, đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước.
Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.
Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi.
Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.
Tại biên giới Mexico-Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sỹ tới biên giới.
Theo kế hoạch, sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong ngày 19/12 tới./.