Vấn đề người di cư: Lượng người di cư hợp pháp đến OECD đạt kỷ lục

Khoảng 1/3 số thành viên OECD ghi nhận lượng người nhập cư hợp pháp đạt mức kỷ lục vào năm ngoái như Anh (747.000 người), Canada (472.000 người), Pháp (298.000 người), Nhật Bản (155.000 người).

Người di cư băng qua sông từ Mexico vào Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người di cư băng qua sông từ Mexico vào Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo Triển vọng Di cư quốc tế 2024 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được công bố ngày 14/11, số người di cư đến các quốc gia thành viên giàu có hơn đã đạt mức kỷ lục năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, phản ánh gia tăng nhu cầu về lao động nước ngoài, cũng như tình trạng thiếu hụt nhân lực do dân số già hóa.

Báo cáo cho biết khoảng 6,5 triệu người đã tới định cư tại 38 quốc gia thành viên OECD trong năm 2023, tăng 10% so với năm 2022. Ngoài ra, OECD cũng ghi nhận sự bùng nổ về số người di cư tạm thời và xin tị nạn, với nhiều người trong số họ đến từ các khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột, nghèo đói.

Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu của lao động nước ngoài với 1,2 triệu người nhập cư hợp pháp vào năm 2023, con số cao nhất kể từ năm 2006.

Khoảng 1/3 số thành viên OECD ghi nhận lượng người nhập cư hợp pháp đạt mức kỷ lục vào năm ngoái như Anh (747.000 người), Canada (472.000 người), Pháp (298.000 người), Nhật Bản (155.000 người) và Thụy Sĩ (144.500 người). Trong khi đó, lượng người nhập cư lại giảm ở 1/3 nước thành viên khác như Đan Mạch, Estonia, Israel, Italy, Litva và New Zealand.

Xu hướng gia tăng chủ yếu đến từ những người muốn đoàn tụ với gia đình đang định cư tại các quốc gia OECD, sau khi đại dịch COVID-19 tạo ra các rào cản trong quá trình xuất nhập cảnh.

Giám đốc Bộ phận việc làm, lao động và các vấn đề xã hội của OECD Stefano Scarpetta đánh giá lượng người di cư lớn đã làm gia tăng lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội của các quốc gia tiếp nhận, nhưng đồng thời cũng đem lại những cơ hội lớn trong bối cảnh nhiều thành viên OECD đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và sự thay đổi nhân khẩu học.

Số lượng lao động nhập cư ngày càng tăng đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông cũng chỉ ra rằng thông qua việc tạo thêm nhiều cơ hội nhập cư có trật tự và an toàn, các nước có thể quản lý tốt hơn dòng người di cư trái phép.

Thống kê của OECD cho thấy người di cư ngày càng tìm được việc làm có thu nhập ổn định, nhiều người trong số họ thậm chí đã thành lập được doanh nghiệp riêng.

Vào năm 2022, 17% trong tổng số lao động tự do tại OECD là người di cư hợp pháp, tăng 6% so với năm 2006. Các doanh nghiệp do người di cư thành lập đã tạo ra gần 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng lao động nhập cư thường làm những công việc không ổn định hơn so với cư dân địa phương. Trong nhiều trường hợp, họ làm các công việc tương tự như những nhân viên hưởng lương nhưng không được nhận quyền lợi tương xứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục