Số người di cư theo đường Balkan đổ vào Hungary trong ngày 10/9 chạm kỷ lục mới, buộc nhà chức trách Áo phải tạm ngừng các chuyến tàu đến và đi từ Hungary, một lần nữa đã làm sâu sắc thêm những bất đồng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về phương án chung ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới 2 tới nay.
Trái ngược với các quốc gia ở Tây Âu, nơi người di cư luôn sẵn sàng được đón tiếp, các quốc gia cửa ngõ ở Đông Âu lại đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn chặn dòng người di cư đang ngày càng trở nên quá tải.
Kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư tới các quốc gia thành viên EU đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nước Đông Âu.
Trong khi Đức, quốc gia đầu tàu trong việc tiếp nhận người di cư, cho rằng kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư chỉ là "muối bỏ bể" và kêu gọi các nước thành viên EU tích cực hơn nữa trong việc nhận phân bổ hạn ngạch, thậm chí tiếp nhận không giới hạn, thì các quốc gia ở Đông Âu tuyên bố sẽ không chấp nhận hạn ngạch phân bổ mà Ủy ban châu Âu đưa ra.
Romania, Slovakia cho rằng việc áp hạn ngạch phân bổ bắt buộc là việc làm mang tính quan liêu, độc đoán mà không có sự tham khảo ý kiến từ các thành viên.
Dự kiến, ngày 11/9, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ có cuộc họp với ngoại trưởng các quốc gia Đông Âu bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia với hy vọng tìm tiếng nói chung trong cách giải quyết vấn đề người nhập cư.
Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ có cuộc họp ngày 14/9 để thảo luận về phương án chia sẻ gánh nặng di cư giữa các thành viên trong khối để giảm tải cho các quốc gia cửa ngõ. Các nghị sỹ của EU cũng đã kêu gọi tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề di cư với sự góp mặt của các quốc gia ngoài khối như Mỹ, các nước Arab, cũng như sự tham gia của Liên hợp quốc.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi ngày 10/9 đã lên tiếng chỉ trích chính sách của các nước EU đối với Syria góp phần gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm qua.
Qua đó, ông thúc giục các nước EU phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với những người tị nạn Syria đang tìm mọi cách để tới "lục địa già."
Theo Bộ trưởng Syria, các nước EU đã khiến những người Syria chạy trốn khỏi quê hương bằng cách "gửi những kẻ khủng bố và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Arab". EU phải chịu trách nhiệm cho chính sách chống Syria của mình. Ông al-Zoubi nói thêm bất kỳ người Syria nào ở nước ngoài cũng có thể trở về nước bất cứ lúc nào.
Bất chấp những nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria, tình trạng bạo lực leo thang tại quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và đẩy khoảng 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 3/2011./.