Vấn đề hạt nhân Iran: Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới

Các cuộc tranh luận trong IAEA đặt ra yêu cầu Đức và châu Âu phải xác định rõ ràng quan điểm về việc nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Vấn đề hạt nhân Iran: Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới ảnh 1Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz ở miền Trung Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí chính trị Cicero của Đức vừa đăng bài phân tích về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng mới liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, nội dung chính như sau:

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang dành mọi nỗ lực để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA, tình hình ngày một trở nên tồi tệ. Giờ đây, Iran đã tiến một bước dài trong việc phát triển vũ khí hạt nhân nhờ những tiến bộ quan trọng trong làm giàu urani.

Hiện tại, sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan vẫn là trọng tâm của các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại tại Đức. Những vấn đề nảy sinh sau các sự kiện tại Kabul vẫn thu hút rất nhiều sự quan tâm của chính giới nước này.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới về chương trình hạt nhân của Iran đã giảm. Các cuộc tranh luận trong IAEA đặt ra yêu cầu Đức và châu Âu phải xác định rõ ràng quan điểm về việc nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thỏa thuận JCPOA nhằm ngăn chặn Iran trang bị vũ khí hạt nhân và hạn chế các hoạt động hạt nhân dân sự của nước này, đã được ký kết sau 12 năm các bên tích cực thực hiện các cuộc đàm phán khó khăn.

Thỏa thuận đã bị cựu Tổng thống Trump đơn phương chấm dứt vào năm 2018, bất chấp sự tuân thủ của Iran. Việc chấm dứt thỏa thuận quan trọng này (có nhiều điểm tương đồng với việc đạt được thỏa thuận rút quân Mỹ khỏi Afghanistan giữa ông Trump với Taliban vào tháng 2/2020) cho thấy sự ngây thơ, thiếu hiểu biết, nhưng lại kiêu ngạo và coi thường các đồng minh châu Âu - những người đã lên tiếng ủng hộ việc duy trì thỏa thuận - của ông Trump.

Ai sẽ là người thực hiện bước đi đầu tiên?

Từ tháng 5/2019, Iran từng bước đình chỉ một số nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận, trong bối cảnh chính quyền Mỹ tái lập và thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran.

Iran đã dựa vào một điều khoản rõ ràng trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó họ bảo lưu quyền không tiếp tục thực hiện thỏa thuận nếu các biện pháp trừng phạt mới được áp đặt. Kết quả là điều tồi tệ ngày nay: Iran đã tiến một bước dài trong việc phát triển lựa chọn vũ khí hạt nhân nhờ những tiến bộ trong làm giàu urani.

[Khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran: Chặng đường xa vời]

Trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, đáng tiếc điều này đã không đạt được trong nhiệm kỳ của vị Tổng thống Iran ôn hòa Rouhani.

Rõ ràng việc không đạt được thỏa thuận không chỉ phụ thuộc vào mình Tehran. Hai bên luôn có các yêu cầu trái ngược nhau: Trong khi Mỹ đòi hỏi Iran trước hết phải đảo ngược các hành vi vi phạm thỏa thuận, thì ngược lại, Iran yêu cầu Mỹ trước hết phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới cũng như các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Trump áp đặt trước đó; trong khi Mỹ kêu gọi Iran đưa ra cam kết về việc đàm phán về chương trình tên lửa và vai trò của nước này trong khu vực - hai điều đều đáng lo ngại, thì Iran đã dứt khoát từ chối yêu cầu của Mỹ. Không phải bây giờ Tehran mới từ chối điều đó mà đã chối từ cách đây hai thập kỷ.

Quan điểm của tân Tổng thống Raisi vẫn chưa rõ ràng

Việc ông Ebrahim Raisi theo quan điểm cực đoan bảo thủ trở thành Tổng thống Iran đánh dấu một bước ngoặt. Mặc dù vị tân Tổng thống này đã lên tiếng ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng quan điểm của ông vẫn chưa rõ ràng.

Chính phủ Iran đã thông báo rằng họ sẽ chỉ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mới sau hai đến ba tháng nữa. Những động thái đầu tiên của chính phủ mới của Iran cho thấy tình hình sẽ rất khó khăn. Ví dụ, như các báo cáo mới nhất của IAEA, chính phủ Raisi đã tỏ ra thiếu hợp tác trong việc cung cấp các thông tin đầy đủ, rõ ràng về chương trình hạt nhân của nước này cho IAEA.

Việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran hiện gặp nhiều trở ngại. Hai vấn đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận mà không thể giải quyết được trong các cuộc đàm phán gián giữa Mỹ và chính phủ cựu Tổng thống Rouhani.

Ngoài ra còn có những rào cản khác, chẳng hạn như những yêu cầu khó có thể thực hiện được của Iran như: Đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa; Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới...

Việc các cuộc đàm phán với chính phủ Rouhani đã kết thúc (vào tháng 6) mà chưa đạt được tiến bộ nào, làm mất đi động lực của các cuộc đàm phán, và đây cũng là một vấn đề.

Mỹ đã đưa ra tuyên bố rằng thời gian để có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những lựa chọn thay thế có thể nghĩ tới, tuyên bố như vậy thật khó chấp nhận.

Tổng thống Biden không muốn thể hiện sự yếu đuối

Mỹ sẽ không chấp nhận chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, đây là điều Tổng thống Biden đã nói rõ với Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong chuyến thăm đầu tiên của ông Bennett tới Washington hôm 27/8 vừa qua. Sau khi Afghanistan sụp đổ, ông Biden không muốn thể hiện thêm bất kỳ sự yếu kém nào nữa (trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Quốc hội Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm sau).

Nếu không có thỏa thuận hạt nhân nào mới với Iran để có thể kiểm chứng được chương trình hạt nhân của nước này thì các lựa chọn thay thế nhanh chóng sẽ rất ít: Ngoài việc tăng cường các lệnh trừng phạt từ Mỹ thì Israel có vẻ muốn lựa chọn một hành động quân sự đối với Iran. Tuy nhiên, một hành động quân sự, chẳng hạn sử dụng các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Sẵn sàng đàm phán và gây áp lực bằng các biện pháp trừng phạt

Những triển vọng xấu như vậy rất cần đến vai trò giải quyết khủng hoảng của nhóm E3 (Anh-Pháp-Đức). Ngay từ năm 2003, sau khi các hoạt động làm giàu urani của Iran bị phanh phui (thời điểm Mỹ xếp Iran vào "trục ma quỷ" và nỗ lực để "thay đổi chế độ" tại nước này), E3 đã can đảm đề xuất một giải pháp ngoại giao qua việc đàm phán với Iran.

Với tư cách là "tác nhân xây cầu nối" được các bên chấp nhận, E3 có thể phối hợp cùng với đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) để hướng tới việc nhanh chóng quay trở lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, điều này sẽ phải dựa trên một chiến lược kép nhất quán, bao gồm sự sẵn sàng đàm phán, đồng thời gây áp lực lớn bằng các lệnh trừng phạt trong trường hợp Iran từ chối đàm phán. Việc duy trì thể thức đàm phán E3 + 3 cũng là một điểm hết sức quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nan giải này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục