Vấn đề hạt nhân Iran: Đức và Nga nhất trí duy trì thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Đức ngày 10/5 khẳng định tầm quan trọng của việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1; cho rằng Moskva có thể dùng ảnh hưởng đối với Tehran trong vấn đề này.
Vấn đề hạt nhân Iran: Đức và Nga nhất trí duy trì thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Đức Heiko Maas (trái) tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 10/5 khẳng định tầm quan trọng của việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 và cho rằng Moskva có thể dùng ảnh hưởng đối với Tehran trong vấn đề này.

Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moskva của Nga, ông Maas cho biết Nga và Đức đã nhất trí rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran cần được duy trì.

Quan chức này cho hay sẽ thảo luận với Mỹ để về chi tiết các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tác động gián tiếp từ các lệnh trừng phạt đối với các nước thứ ba.

[Iran: EU không thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau quyết định của Mỹ]

Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tehran và sớm nhất có thể là tuần tới.

Về phần mình, ông Lavrov cho rằng Mỹ không nên gây ảnh hưởng với các đối tác của Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức).

Cùng ngày, hãng thông tấn Qatar đưa tin nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.

Trong tuyên bố tối 9/5, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết nước này đang theo dõi sát sao diễn biến mới nhất về thỏa thuận hạt nhân với Iran, sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này.

Qatar kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế, giải quyết tình hình hiện nay một cách khôn khéo thông qua đối thoại.

Tuyên bố lưu ý rằng dù không phải là một bên trong JCPOA, Qatar và các nước vùng Vịnh khác sẽ vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bất cứ hậu quả nào từ quyết định của các bên liên quan, do vị trí địa lý và quan hệ chính trị-lịch sử giữa các nước vùng Vịnh với các bên tham gia thỏa huận này.

Qatar cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động tập thể của cộng đồng quốc tế nhằm đảo bảo Trung Đông là khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Từ Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với quyết định của Mỹ về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và gọi đây là một bước thụt lùi.

Ông Ramaphosa nêu rõ Nam Phi ủng hộ ngoại giao đa phương và giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Tổng thống Nam Phi cho rằng JCPOA là thành tựu đáng kể vì thỏa thuận này đã tạo khuôn khổ niềm tin để nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể theo đuổi phát triển năng lực hạt nhân của nước này vì mục đích dân sự.

Bên cạnh đó, kể từ khi được ký kết, JCPOA đã đóng góp đáng kể vào việc giảm căng thẳng đối với chương trình hạt nhân của Iran và vẫn đang có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và tiến trình bình thường hóa quan hệ của nhà nước Hồi giáo này.

Tổng thống Ramaphosa kêu gọi các bên ký kết JCPOA khác tiếp tục tuân thủ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Ramaphosa tin rằng “quyết định của Mỹ sẽ không ngăn cản các bên còn lại tuân thủ cam kết, cũng như sẽ không ảnh hưởng tiêu cựu đối với các điều khoản và cơ chế liên quan được tạo ra bởi JCPOA”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục