Vấn đề được chờ đợi nhất trên chính trường Nhật Bản năm 2020

Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe sẽ cân nhắc một cách thận trọng liệu có nên và khi nào sẽ sử dụng “con bài tổng tuyển cử.”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các tại Tokyo ngày 11/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Jiji Press, việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có giải tán Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn hay không là câu hỏi hóc búa nhất trên chính trường Nhật Bản trong năm 2020.

Gần đây, đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng Thủ tướng Abe có thể sẽ giải tán Hạ viện, cơ quan quyền lực nhất trong lưỡng viện của Quốc hội, để tổ chức bầu cử sớm vào Mùa Thu năm 2020 sau khi Nhật Bản tổ chức hai sự kiện thể thao quan trọng là Olympics và Paralympics.

Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe sẽ cân nhắc một cách thận trọng liệu có nên và khi nào sẽ sử dụng “con bài tổng tuyển cử.”

Theo dự kiến, nhiệm kỳ 4 năm của các nghị sỹ Hạ viện sẽ kết thúc vào ngày 21/10/2021. Các nghị sỹ đang ngày càng cảm thấy bồn chồn khi một nửa nhiệm kỳ của họ đã trôi qua.

Một cựu bộ trưởng nhận định: “Hạ viện có thể sẽ bị giải tán vào bất cứ thời điểm nào.”

Phát biểu trên một chương trình truyền hình phát hôm 27/12/2019, Thủ tướng Abe nói: “Tôi sẽ không do dự khi đưa ra quyết định về việc giải tán Quốc hội nếu đó là thời điểm thích hợp cho mọi người.”

Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Abe đang bị “lung lay” bởi một loạt vấn đề như vụ bê bối nhận hối lộ của một nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) và “bữa tiệc” ngắm hoa anh đào thường niên do Thủ tướng Abe tổ chức.

Điều này khiến cho nhiều nghị sỹ cả trong liên minh cầm quyền và phe đối lập tin rằng kịch bản giải tán Hạ viện có thể sẽ chưa xảy ra ít nhất tại thời điểm hiện nay.

[Tin bão gần cho Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản]

Đa phần đều nghiêng về kịch bản cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ diễn ra sau các sự kiện thể thao Olympic và Paralympic tại Nhật Bản từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020.

Nếu con bài bầu cử vẫn không được sử dụng trong năm 2020, giá trị của nó sẽ giảm dần bởi vì, khi đó, thời gian còn lại trong nhiệm kỳ hiện nay của các Hạ nghị sỹ không còn nhiều.

Trong nội bộ Đảng Công Minh, nhiều đảng viên ủng hộ kịch bản tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào khoảng Mùa Thu năm nay bởi vì, họ không muốn cuộc bầu cử này diễn ra gần thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân thủ đô Tokyo, dự kiến vào Mùa Hè năm 2021.

Ngược lại, nhiều nghị sỹ đối lập lại cho rằng tổng tuyển cử có thể sẽ sớm xảy ra bởi vì, chính quyền của Thủ tướng Abe muốn hành động nhanh chóng trước khi các vụ bê bối mới bị phanh phui gần đây gây tổn hại hơn nữa.

Nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của Thủ tướng Abe sẽ kéo dài đến tháng 9/2021. Một số đảng viên LDP đã đưa ra đề xuất sửa đổi điều lệ của đảng này nhằm cho phép Thủ tướng Abe tiếp tục tại vị nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp cho dù chính trị gia này đã bác bỏ khả năng đó.

Trong khi đó, những nghị sỹ khác của LDP dự báo rằng Thủ tướng Abe có thể từ chức ngay sau khi Olympic và Paralympic 2020 kết thúc nhằm duy trì ảnh hưởng của mình bằng cách chi phối việc bổ nhiệm thủ tướng mới.

Nếu điều đó xảy ra, cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới có thể diễn ra dưới thời chính quyền của một vị thủ tướng mới. Những người có khả năng kế nhiệm ông Abe ở LDP gồm Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Kishida Fumio, người đã nói bóng gió về khả năng sẵn sàng tiếp nối các chính sách của Thủ tướng Abe và cựu Tổng Thư ký LDP Ishiba Shigeru, người đang tìm cách thay đổi chính sách.

Ngoài ra, các ứng cử viên đầy triển vọng khác gồm Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Kato Katsunobu.

Tháng 11/2019, ông Abe đã trở thành vị thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản nếu tính cả thời gian chính trị gia này giữ chức vụ này lần đầu tiên từ tháng 7/2006 đến tháng 9/2007.

Nếu tiếp tục tại vị cho đến tháng 8/2020, ông Abe sẽ vượt qua kỷ lục của cố Thủ tướng Eisaku Sato để trở thành vị thủ tướng có thời gian cầm quyền liên tục dài nhất trong lịch sử nước này.

Theo giới phân tích, để kết thúc nhiệm kỳ lịch sử của mình bằng những di sản chính trị, Thủ tướng Abe đang gia tăng nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận về vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Ông Abe nói: “Chắc chắn tôi muốn tự mình đạt được nó (sửa đổi Hiến pháp).”

Đối với các đảng đối lập, vấn đề quan trọng hiện nay là liệu họ có thể đoàn kết để tạo ra một lực lượng đủ mạnh để cạnh tranh với chính quyền của Thủ tướng Abe hay không.

Gần đây, Tổng Thư ký của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) và Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đã khẳng định ý định sáp nhập thành một chính đảng duy nhất. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phải đợi cho đến sau cuộc gặp tới đây của các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai đảng.

Hiện nay, hai đảng vẫn còn có quan điểm khác biệt về triết lý và các chính sách cơ bản, việc bổ nhiệm nhân sự và một số vấn đề khác. Mọi sự chú ý hiện nay tập trung vào việc liệu hai đảng có thể sáp nhập trước kỳ họp thường niên của Quốc hội hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục