Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 7/8 đăng bài phân tích của Tiến sỹ Matthew Herbert, tư vấn cao cấp của Viện Nghiên cứu an ninh Nam Phi, về những thách thức đối với đội ngũ lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là trong vấn đề di cư.
Nội dung bài viết như sau: Các nhà lãnh đạo mới của EU bắt đầu đảm nhận các cương vị mới. Tháng 7 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Tháng 11 tới sẽ chứng kiến sự chuyển tiếp ở vị trí lãnh đạo cao nhất của EU, đó là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Bộ máy lãnh đạo mới sẽ đánh giá và xem xét lại chính sách đối ngoại của EU, trong đó có vấn đề di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi sang châu Âu và chiến lược rộng hơn của EU liên quan đến các nước ở vành đai phía Tây và phía Nam Địa Trung Hải.
Chiến lược liên quan đến vấn đề di cư là một trong những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và dai dẳng nhất mà các nhà hoạch định chính sách EU phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo mới cần đánh giá nghiêm túc các chính sách của những người tiền nhiệm.
Khu vực Maghreb (gồm Algeria, Libya, Mauritania, Maroc, Tunisia và Tây Sahara) đang trải qua một thời kỳ đặc biệt phức tạp và mong manh.
Thách thức kinh tế, xã hội chồng chất, và giới trẻ khu vực đang cảm nhận rất rõ là giới lãnh đạo chính trị các nước này không thể, hoặc sẽ không giải quyết được những khó khăn, thách thức trên.
Tại Maroc, 43% dân số nước này cho rằng chất lượng cuộc sống đang giảm sút. Tại Tunisia, khó khăn về tìm việc làm và lạm phát gia tăng đã tạo ra cảm giác rằng "thòng lọng đang dần siết chặt."
Thanh niên ngày càng đổ xuống đường nhiều hơn để yêu cầu thay đổi bộ máy lãnh đạo chính trị, phản đối sự lạm quyền và đối xử bất công của các lực lượng an ninh hoặc đơn giản chỉ là thể hiện sự thất vọng với hiện trạng.
Số còn lại lựa chọn mạo hiểm cuộc sống trên những chiếc thuyền để di cư bất hợp pháp tới châu Âu. Năm 2018, cùng với Tunisia và Algeria, các nước châu Âu đã ngăn chặn 38.968 người di cư bất hợp pháp từ khu vực Maghreb, tăng so với 15.961 người hồi năm 2016.
Số lượng người di cư tăng lên từ khu vực Maghreb đang đặt ra thách thức chính trị đối với EU. Chủ nghĩa dân túy bài di cư vẫn là một lực lượng chính trị hùng mạnh ở một số nước châu Âu, và khi số người Maroc, Algeria và Tunisia di cư lên phía Bắc ngày càng tăng, các chính trị gia dân túy ngày càng trở nên định kiến hơn.
Chính trị dân túy trong nội bộ làm tăng áp lực đối với các nhà chức trách EU trong việc giải quyết hoặc ít nhất là giảm thiểu về mặt chính trị vấn đề này. Vì vậy, EU giải ngân viện trợ và gây áp lực ngoại giao đối với Maroc, Algeria, Tunisia và Libya để ngăn chặn dòng người di cư.
Tuy nhiên, cả viện trợ lẫn áp lực đều không ảnh hưởng đáng kể đến dòng người di cư khỏi Maghreb cũng như không làm giảm sự quan tâm đến việc di cư.
Tại Maroc, 70% thanh niên muốn di cư và các con số ở Algeria và Tunisia có thể cũng tương tự. Do đó, ban lãnh đạo EU sắp nhậm chức sẽ phải đối mặt với áp lực ngay trực tiếp từ nội khối nhằm giải quyết tốt hơn việc di cư bất hợp pháp từ khu vực Maghreb.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thay đổi cách tiếp cận của EU cũng cần tránh việc tạo ra nhiều thách thức hơn ở khu vực này.
Các nhà hoạch định chính sách của EU cần cân nhắc 5 vấn đề liên quan: Thứ nhất, giải quyết bất bình đẳng về cấu trúc. Các chương trình của EU nhằm mục đích giải quyết tận gốc nguyên nhân của di cư hiện không chú ý vấn đề bất bình đẳng về cấu trúc.
Thực tế là mỗi gia đình, vùng xuất xứ, thực trạng kinh tế và tuổi tác sẽ quyết định các lựa chọn kinh tế, tiếp cận các dịch vụ công cũng như sự liên hệ với lực lượng an ninh.
Bất bình đẳng kéo dài sẽ hạn chế đáng kể tác động của các chương trình được tài trợ và được thiết kế tốt nhằm hướng tới các cá nhân, cộng đồng bị thiệt thòi và có nhiều khả năng sẽ tìm cách di cư.
Chiến lược sửa đổi của EU phải ưu tiên và dành nỗ lực chính nhằm thừa nhận và giải quyết bất bình đẳng về cấu trúc. Thứ hai, tình trạng di cư từ khu vực Maghreb, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, giúp củng cố sự ổn định trong khu vực.
Di cư tạo ra huyết mạch kinh tế cho bộ phận dân cư mà các chính phủ của khu vực không thể hoặc sẽ không hỗ trợ, góp phần làm giảm sự thất vọng và bất ổn xã hội.
[Giải pháp mới tránh cuộc khủng hoảng di cư mới ở châu Âu]
Nếu không có thay đổi đáng kể về cơ hội kinh tế, quan hệ xã hội và bất bình đẳng, Maroc, Algeria và Tunisia có nguy cơ đối mặt với bất ổn và xung đột. So với di cư bất hợp pháp, sự bất ổn này có thể gây tổn hại lớn hơn rất nhiều đối với lợi ích kinh tế và an ninh của EU.
Thứ ba, đối với Maroc, Algeria và Tunisia, di cư cũng là một vấn đề chính trị quan trọng giống như ở châu Âu. Trong khi di cư quá cảnh và sự gia tăng người di cư định cư ở khu vực Maghreb dẫn đến căng thẳng chính trị leo thang, di cư bất hợp pháp của người Maroc, Algeria và Tunisia có tác động chính trị lớn nhất.
Chính phủ các nước Maghreb nhận thức rõ những lợi ích chính trị do di cư bất hợp pháp của công dân những nước này mang lại.
Các nước Maghreb dành ưu tiên đảm bảo sự ổn định trong nước và do đó ngầm cho phép di cư, ngay cả khi việc di cư dẫn đến quan hệ của những nước này với EU và các quốc gia thành viên EU xấu đi.
Trừ khi việc hoạch định chương trình của EU có tính đến bối cảnh chính trị tại Maroc, Algeria và Tunisia, cũng như các nhu cầu chính trị liên quan đến việc di cư, gần như chắc chắn rằng các chương trình này sẽ không dành được sự quan tâm của các nước Maghreb.
Thứ tư, các chương trình dành ưu tiên "thực thi là số 1" sẽ không đạt được thành công. Ý tưởng "thực thi là số 1" dựa trên quan niệm rằng tình trạng di cư bất hợp pháp tiếp diễn ở Maroc, Algeria và Tunisia là do khoảng cách về năng lực an ninh.
Tuy nhiên, bối cảnh chính trị phức tạp xung quanh việc di cư ở 3 nước này có nghĩa là việc thực thi yếu kém xuất phát từ cả ý chí chính trị cũng như trang bị không đầy đủ của lực lượng an ninh.
Thứ năm, tình trạng di cư bất hợp pháp và hợp pháp hiện nay bất lợi đối với cả châu Âu lẫn Bắc Phi. Châu Âu coi di cư bất hợp pháp là một vấn đề, trong khi Bắc Phi đánh giá đây là một giải pháp không hoàn hảo.
Châu Âu thu được lợi ích từ sự di cư hợp pháp của những người Maroc, Algeria và Tunisia có tay nghề cao, trong khi sự "chảy máu chất xám" này đã cản trở sự phát triển kinh tế của Bắc Phi.
Để đạt được tiến bộ, EU và các quốc gia Bắc Phi cần thảo luận thẳng thắn về biện pháp xây dựng một cách tiếp cận công bằng, xuyên Địa Trung Hải đối với vấn đề di cư. Điều đó có nghĩa là cần đánh giá biện pháp để điều hòa các nhu cầu của các quốc gia châu Âu và Bắc Phi.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của EU, di cư là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm cả về chính trị lẫn ngoại giao. Điều đó là bởi vấn đề này xuất phát từ một loạt vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trong lẫn ngoài EU, và ngược lại di cư sẽ ảnh hưởng trở lại các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị theo diện rộng, do vậy sẽ không thể có chiến thắng dễ dàng khi đề cập đến chính sách di cư.
Khi xem xét tình hình di cư, đội ngũ lãnh đạo mới của EU nên đánh giá nhu cầu và mối quan tâm của các quốc gia Maghreb, giải quyết bất bình đẳng về cấu trúc và không được làm suy yếu sự ổn định ở khu vực Bắc Phi./.