Vấn đề đặt ra sau khi kẻ chủ mưu vụ tấn công ở Paris bị tiêu diệt

Mặc dù việc nhanh chóng truy tìm dấu vết của tên này được xem là thành công lớn của Pháp, song sự hiện diện của hắn ở Paris sẽ thu hút thêm sự chú ý tới những khó khăn của công tác an ninh biên giới.
Vấn đề đặt ra sau khi kẻ chủ mưu vụ tấn công ở Paris bị tiêu diệt ảnh 1Cảnh sát Pháp làm nhiệm vụ trong cuộc vây ráp tại Saint-Denis ngày 18/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Reuters đưa tin ngày 19/11, Pháp xác nhận kẻ tình nghi thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là chủ mưu loạt vụ tấn công ở Paris đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của cảnh sát ở phía Bắc Paris, kết thúc chiến dịch truy tìm tên khủng bố bị toàn châu Âu truy nã.

Giới chức cho biết họ đã xác minh được thi thể của một người mang quốc tịch Bỉ có tên Abdelhamid Abaaoud từ dấu vân tay sau vụ đột kích và đấu súng hôm 18/11.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens khẳng định “kẻ chủ mưu này sẽ không còn là mối nguy hiểm nữa,” đồng thời gọi đây là một “bước đột phá.”

Trong một tuyên bố đưa ra, văn phòng công tố Paris cho biết thi thể của tên này đã được tìm thấy giữa đống đổ nát sau vụ đột kích hôm 18/11.

Văn phòng công tố sau đó cho biết thêm hiện vẫn chưa rõ có phải Abaaoud đã cho kích hoạt thắt lưng gài bom tự sát hay không.

Tay súng người Bỉ gốc Morocco 28 tuổi này bị cáo buộc đã dàn xếp loạt vụ xả súng và nổ bom ở Paris hôm 13/11 vừa qua, làm 129 người thiệt mạng. Bảy tay súng đã chết trong cuộc tấn công và kẻ tình nghi thứ tám vẫn đang chạy trốn.

Trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Pháp hồi tuần trước, Abaaoud đã là một trong những tay súng quốc tịch châu Âu khét tiếng nhất của IS với lý lịch nổi bật trên tạp chí trực tuyến “Dabiq” phiên bản tiếng Anh của tổ chức này. Hắn đã tự hào nói về việc vượt qua biên giới châu Âu để tiến hành các vụ tấn công.

IS, hiện kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria, đã thu hút hàng nghìn thanh niên châu Âu và Abaaoud được xem là nhân vật hàng đầu trong việc thuyết phục những người khác gia nhập IS, đặc biệt là từ Bỉ, quê hương của hắn.

Tên này từng tuyên bố đã thoát được chiến dịch truy tìm trên khắp châu Âu sau vụ đột kích của cảnh sát ở Bỉ năm 2013. Trong cuộc đột kích đó, hai tay súng khác đã bị tiêu diệt.

Gia đình của Abaaoud đã từ hắn và buộc tội hắn đã bắt đi người em trai 13 tuổi - người sau đó được “tung hô” trên mạng Internet là tay súng nước ngoài trẻ tuổi nhất của IS ở Syria.

Mặc dù việc nhanh chóng truy tìm dấu vết của tên này sẽ được xem là thành công lớn của chính quyền Pháp, song sự hiện diện của hắn ở Paris sẽ thu hút thêm sự chú ý tới những khó khăn của công tác an ninh châu Âu trong việc giám sát biên giới của lục địa này.

Trước khi xảy ra cuộc tấn công ở Paris, các chính phủ châu Âu tưởng rằng Abaaoud vẫn đang ở Syria. Roland Jaquard tại Viện Quan sát Khủng bố Quốc tế nói: “Đây là một sai lầm rất lớn.”

Các quan chức Pháp đã kêu gọi thay đổi phương thức hoạt động của khu vực đi lại tự do Schengen của EU, vốn theo thường lệ không giám sát hoạt động xuất nhập cảnh của các công dân từ 26 nước thành viên tham gia.

Hàng trăm nghìn người đã tới châu Âu với tư cách là người tị nạn Syria trong nhiều tháng qua, trong đó có ít nhất một kẻ có sử dụng hộ chiếu Syria được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công hôm 13/11.

Các nhà lập pháp trong Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu để kéo dài tình trạng khẩn cấp lên 3 tháng với 551 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Tình trạng khẩn cấp cho phép cảnh sát được phép khám xét nhà mà không cần lệnh của tòa án và áp đặt quản thúc tại gia với những kẻ tình nghi, cùng nhiều biện pháp khác.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trước Quốc hội: “Đây là sự phản ứng nhanh chóng của một nền dân chủ đang đối mặt với những hành động man rợ.”

Nước láng giềng Bỉ - cảm thấy hoang mang bởi thông tin rằng một số kẻ tấn công đã trú ẩn tại đây - tuyên bố tiến hành cuộc trấn áp an ninh, với số tiền bỏ ra cho cuộc trấn áp này lên tới 400 triệu euro (430 triệu USD).

Thủ tướng Charles Michel đã tuyên bố kế hoạch thông qua các luật mới để bắt giam những phần tử thánh chiến trở về từ Syria, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo chưa đăng ký, trục xuất những kẻ truyền giáo đầy hận thù và cấm việc ẩn danh mua thẻ điện thoại.

Pháp đã kêu gọi một liên minh toàn cầu để tiêu diệt IS, nước này cũng đã tiến hành các cuộc không kích ở Raqqa, thủ phủ của IS ở miền Bắc Syria, từ cuối tuần qua. Nga cũng tấn công vào thành phố này để trả thù vụ máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập tháng 10/2015 làm 224 người thiệt mạng.

Các vụ tấn công khủng bố vừa qua có thể đưa các nước Phương Tây và Nga xích lại gần nhau trong cùng một chiến tuyến sau hơn một năm Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga vì vụ nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Nga và Phương Tây đang chia rẽ về vấn đề Syria, với việc Moskva ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi các nước phương Tây nói rằng ông Assad phải ra đi mới kết thúc được cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở Syria.

Pháp hiện là một trong số vài nước châu Âu tham gia chiến dịch “Quyết tâm Vốn có” do Mỹ dẫn đầu để tấn công các mục tiêu IS ở Iraq. Cách đây hai tháng, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu duy nhất tham gia chiến dịch không kích của Mỹ ở Syria.

Ngày 19/11, Tổng thống Obama nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng việc tiêu diệt IS có liên hệ chặt chẽ với việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Phát biểu với các phóng viên ở Manila bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông nói: “Sẽ không thể có một tương lai kết thúc cuộc nội chiến ở Syria trong khi ông Assad vẫn nắm quyền”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục