Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thời COVID-19

Việc hướng đến ngành nông nghiệp số và cơ giới hóa có thể phát triển trong kỷ nguyên hậu COVID-19 và các nước đang phát triển ở châu Á sẽ cần điều chỉnh để thích nghi với môi trường mới này.
Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thời COVID-19 ảnh 1Người vô gia cư nhận thức ăn từ một chương trình cứu trợ dành cho người nghèo ở Hyderabad, Ấn Độ năm 2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum đưa tin, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) đang tấn công toàn bộ chuỗi giá trị lương thực, từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng, do lệnh phong tỏa và hạn chế xuất khẩu tác động xấu đến chuỗi cung ứng thực phẩm ở khắp châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này ảnh hưởng bất lợi đến sự lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng và đặt ra mối đe dọa tức thì đối với an ninh lương thực cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương

Các nông trại và những doanh nghiệp nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động do các biện pháp phong tỏa và lực lượng lao động nhập cư sụt giảm.

Hoạt động vận chuyển sau thu hoạch đến các thị trường tiêu thụ là một thách thức khác, những loại rau và hoa quả theo mùa không bán được đang có nguy cơ bị "vứt ra rác" do nhà hàng, khách sạn và trường học đóng cửa.

Mặc dù sự gián đoạn trong quy trình sản xuất và phân phối thức ăn đang khiến giá thu mua giảm do sản phẩm dễ hỏng, song giá bán lẻ của một vài mặt hàng thực phẩm chính, rau và hoa quả tươi lại đang tăng giá đáng kể do giá vận chuyển cao hơn trong đại dịch.

Việc đóng cửa biên giới đột ngột và những rào cản thương mại làm gia tăng sự căng thẳng tạm thời về an ninh lương thực đối với các nước dựa vào nhập khẩu.

Giá bán lẻ của mặt hàng gạo và lúa mỳ tăng ở một vài nền kinh tế đang phát triển do các nước này thông qua những quy định thương mại tạm thời nhằm ổn định chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước.

Những nước xuất khẩu gạo chính như Việt Nam, Campuchia và Myanmar đặt ra những hạn chế xuất khẩu gạo, trong khi Nga, Kazakhstan và Ukraine hạn chế xuất khẩu lúa mỳ.

Đại dịch đang phơi bày sự bất bình đẳng đáng kể của châu Á. Lượng thực phẩm tiêu dùng của các hộ gia đình và chế độ dinh dưỡng có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng mất việc làm và mất thu nhập cũng như tình trạng thiếu hụt thực phẩm.

[Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng đói kém gia tăng trên toàn thế giới]

Sự sụt giảm kinh tế đã giáng một cú đòn lớn vào những người lao động dễ bị tổn thương tại các nước đang phát triển.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương - nơi có 7/10 công nhân đang làm việc trong các lĩnh vực không chính thức với sự bảo vệ xã hội có giới hạn và lương thấp - đang phải hứng chịu tác động lớn của việc giảm giờ làm.

Trong quý 2 này, ước tính khoảng 13,5% giờ làm bị giảm, 235 triệu người mất việc làm hoàn toàn. Một mối quan tâm đặc biệt là tình trạng dinh dưỡng của những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng.

Do trường học đóng cửa, các chương trình bữa ăn học đường bị tạm hoãn, làm ảnh hưởng đáng kể đến việc có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng cho những trẻ nhỏ trong những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Phụ nữ đang mang thai, những người mẹ đang cho con bú và trẻ em cần tiếp cận những thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau tươi, hoa quả, cá và sữa, song những loại thực phẩm này dễ bị hỏng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm đã tác động nghiêm trọng đến loại thực phẩm này.

So sánh với cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, khi mùa màng thất bát, kho thóc không nhiều và giá năng lượng tăng khiến giá ngũ cốc toàn cầu "leo dốc," giá gạo và lúa mỳ hiện nay không tăng cao đến mức báo động.

Cuộc khủng hoảng hiện nay chủ yếu là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự hạn chế thương mại, nên nó có thể kiểm soát được miễn là đại dịch được ngăn chặn sớm. Tuy nhiên, nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, sự thiếu hụt lực lượng lao động và nguồn cung đầu vào có thể giảm làm sản lượng.

Sự gián đoạn kéo dài trong các chuỗi cung ứng thực phẩm và giá thành cao hơn trong khâu hậu cần cũng có thể khiến những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ bị hạn chế trong việc lựa chọn các thị trường có giá cả tốt hơn, gây ảnh hưởng bất lợi đến thu nhập.

Những can thiệp về chính sách mạnh mẽ và nhanh chóng là cần thiết để đảm bảo các chuỗi cung ứng an ninh lương thực và làm dịu tác động tức thì của cuộc khủng hoảng. Sự can thiệp chính sách nên hướng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và y tế công, đảm bảo chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất và hỗ trợ các chính sách kinh tế vĩ mô, lao động và thương mại công bằng cũng như sự hợp tác trong khu vực.

Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thời COVID-19 ảnh 2Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Giới chức khu vực nên mở rộng phạm vi và tăng cường lợi ích của các chương trình bảo vệ xã hội để có thể cung cấp những hỗ trợ mang tính sống còn cho những người dễ bị tổn thương nhất. Cũng cần có sự hỗ trợ tức thì để giúp những người nông sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận các thị trường.

Một điều rất quan trọng là phải giảm gánh nặng tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho người nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp và những người chế biến thực phẩm, vốn đang bị áp lực về tài chính.

Nhiều chính phủ trong khu vực đang đưa ra các biện pháp tài chính nhằm làm giảm ảnh hưởng tức thì đối với người nông dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi cung ứng thực phẩm bằng cách cung cấp những khoản vay và trợ cấp vốn cũng như cho phép giãn nợ hoặc cơ cấu lại nợ.

Cải cách nông nghiệp thời hậu COVID-19 nên hỗ trợ sự chuyển đổi dài hạn từ một chuỗi cung ứng tập trung lao động sang hệ thống nông nghiệp hiệu quả và linh hoạt hơn, theo đó sử dụng cơ giới hóa thông minh. Điều này sẽ giúp giảm bớt tác động của sự biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp môi trường và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt đối với an ninh lương thực.

Trong quá trình chuyển đổi, cần hỗ trợ đầy đủ cho những người nông dân có trang trại nhỏ và thu nhập từ nông nghiệp thấp để làm tăng lợi nhuận của họ từ trang trạng và lợi nhuận từ những cơ hội thu nhập ngoài trang trại.

Một ví dụ là việc gia tăng tiếp cận đối với cơ sở hạ tầng và đào tạo kỹ thuật số với giá cả phải chăng.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội để các nền kinh tế đang phát triển bắt đầu thực thi những cải cách nông nghiệp sâu rộng. Quyết định gần đây của Ấn Độ là một ví dụ điển hình.

Tháng Năm vừa qua, Ấn Độ công bố một kế hoạch đã được chờ đợi từ lâu, theo đó bãi bỏ quy định về sản xuất, chuỗi cung ứng, sự phân phối và giá nhằm hỗ trợ và đảm bảo về giá cho những người nông dân và cho phép họ tự do lựa chọn thị trường.

Việc hướng đến ngành nông nghiệp số và cơ giới hóa có thể phát triển trong kỷ nguyên hậu COVID-19 và các nước đang phát triển ở châu Á sẽ cần điều chỉnh để thích nghi với môi trường mới này nhằm giúp lĩnh vực nông nghiệp trở nên cạnh tranh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục