Doanh nghiệp cần làm gì để giảm tình trạng căng thẳng nghề nghiệp?

Vấn đề căng thẳng tại nơi làm việc chưa được xã hội quan tâm đúng mức

Phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, bởi nó đang trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe người lao động.
Doanh nghiệp cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng tại nơi làm việc. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Doanh nghiệp cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng tại nơi làm việc. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Khác với Tháng hành động An toàn, Vệ sinh lao động hàng năm thường xoay quanh về công tác phòng ngừa tai nạn lao động, năm nay chủ đề của tháng hành động sẽ tập trung vào xây dựng quy trình, biện pháp an toàn và cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt, lần đầu tiên cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc được coi là vấn đề cấp bách, cần được quan tâm nhiều hơn.

Nhiều áp lực khiến người lao động căng thẳng

Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết những biến đổi khó lường, tăng trưởng giảm sút, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp hoặc điều kiện lao động ở nhiều nơi không đảm bảo, áp lực công việc lớn... dẫn tới căng thẳng tại nơi làm việc đang là một vấn đề rất đáng quan tâm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Về nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nơi làm việc, ông Nguyễn Khánh Long cho rằng, thống kê chỉ ra một số ngành nghề có số lượng người lao động bị căng thẳng cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày.

Ngoài ra, thời gian qua lực lượng lao động trong các ngành sản xuất thâm dụng nhiều lao động như dệt, may, da giày, chế biến thuỷ sản, lắp ráp điện tử cũng gặp nhiều căng thẳng do các nguyên nhân như: Nguy cơ mất việc làm và thu nhập, vấn đề làm thêm giờ cục bộ, việc chăm sóc gia đình, con cái…  Bên cạnh đó, thời gian làm việc, môi trường làm việc, thiếu kỹ năng làm việc, lối sống thiếu lành mạnh, tổ chức không chuyên nghiệp cũng khiến người lao động căng thẳng.

Theo ông Nguyễn Khánh Long, thời gian làm việc tiêu chuẩn là 8 tiếng/ngày, tuy nhiên vẫn có vô vàn các công việc không thể hoàn thành đúng theo khuôn khổ, các công việc có tính chất không cố định khiến người lao động phải tốn thời gian, sức lực hơn. Chẳng hạn như bác sỹ, y tá có thể phải làm việc đến 16 tiếng/ngày hay người làm tiếp thị phải đi tiếp khách bất cứ lúc nào; người làm báo chí cần phải làm việc ngay giữa đêm nếu có tin mới.

[Đối thoại là 'chìa khóa' giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động]

Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết thêm năm 2022, Phân Viện Khoa học An toàn-Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may. 

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý nhất là có 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm mức độ trung bình và đặc biệt có 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng. Trong số người có biểu hiện trầm cảm thì có tới 8% có ý định gây tổn hại bản thân;  49,5% người động thường xuyên cảm thấy buồn chán…

Quan tâm hơn tới căng thẳng tại nơi làm việc

Trong bối cảnh người lao động đang ngày càng phải chịu những áp lực lớn trong công việc, đời sống, Tháng hành động An toàn vệ sinh năm nay đã đặt ra mục tiêu tập trung vào cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

Vấn đề căng thẳng tại nơi làm việc chưa được xã hội quan tâm đúng mức ảnh 1Tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động trong lễ phát động Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Hà Tất Thắng Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ qua khảo sát, người lao động đề cập nhiều đến áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc theo dây chuyền. Thực tế thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện hậu COVID-19 nhiều doanh nghiệp ép công nhân làm thêm, tăng ca để đảm bảo đơn hàng. Việt thay đổi phương pháp sản xuất, tổ chức lao động của chủ sử dụng gây áp lực lớn lên người lao động.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khuyến nghị có hơn 200 bệnh hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Do đó, các hoạt động trong tháng hành động hướng tới kêu gọi doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, đời sống cho người lao động…

“Các cơ quan quản lý, công đoàn, y tế… sẽ phải cùng vào cuộc để giảm căng thẳng, để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn hơn, đỡ nặng nhọc hơn, đỡ căng thẳng hơn,” ông Hà Tất Thắng nói.

Giáo sư, tiến sỹ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cũng cho rằng để phòng ngừa nguy cơ căng thẳng nghề nghiệp cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía từ tổ chức, doanh nghiệp, công đoàn, đến người lao động. Doanh nghiệp cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc, xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tuân thủ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo dõi thường xuyên, khi thấy có biểu hiện căng thẳng hay trầm cảm cần bố trí nghỉ ngơi, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và phù hợp với khả năng của người lao động; thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động về những thay đổi của công ty trong sản xuất, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận và tổ chức nhân sự…

Theo ông Lê Vân Trình, phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc là một trong những yêu cầu cơ bản trong sản xuất hiện đại, bởi nó đang trở thành một yếu tố nguy cơ cao nhất làm suy giảm sức khỏe người lao động. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn là biện pháp cơ bản nhất tạo một môi trường làm việc không căng thẳng.

Nhấn mạnh sự quan tâm với căng thẳng tại nơi làm việc vẫn chưa đúng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến người lao động, nhất là phụ nữ trầm cảm sau sinh hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa để giảm stress cho nhân viên.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, công đoàn cần tích cực tham gia hơn về các điều kiện giảm căng thẳng cho người lao động như lương thưởng, môi trường làm việc. Thời gian tới, công đoàn cần tổ chức các sân chơi, hoạt động nghệ thuật, thể thao nhằm giảm căng thẳng cho công nhân.

Tháng Công nhân cũng được phát động cùng với Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động, do đó tổ chức công đoàn cũng đặt mục tiêu thực hiện  nhiều chương trình hoạt động để cải thiện môi trường làm việc và giảm căng thẳng tại nơi làm việc trong tháng 5/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục