Vấn đề Brexit: Tương lai Trung tâm tài chính London vẫn bấp bênh

Ngày 10/10, Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Anh khẳng định sẽ nỗ lực để đảm bảo duy trì vị thế của Trung tâm tài chính London sau Brexit, bất chấp hàng nghìn việc về tài chính sẽ rời Anh.
Vấn đề Brexit: Tương lai Trung tâm tài chính London vẫn bấp bênh ảnh 1Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Anh John Glen. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 10/10, Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Anh John Glen khẳng định sẽ nỗ lực để đảm bảo duy trì vị thế của Trung tâm tài chính London sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, bất chấp các báo cáo cho thấy hàng nghìn việc trong lĩnh vực tài chính sẽ rời khỏi quốc gia này trong thời kỳ hậu Brexit.

Phát biểu trước Hạ viện Anh, ông Glen thừa nhận đồng tình với mức ước tính của Ngân hàng Trung ương nước này (BoE) rằng có khoảng 5.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ chuyển từ Anh sang các quốc gia khác của EU khi Anh chính thức chia tay liên minh vào tháng 3/2019.

Nhưng ông cũng khẳng định mục tiêu duy nhất của ban quản lý Trung tâm tài chính London lúc này là đảm bảo duy trì càng nhiều giá trị kinh tế do trung tâm tạo ra càng tốt.

Ông cũng bày tỏ tin tưởng tuyệt đối rằng Anh và EU sẽ thống nhất một thỏa thuận, trong đó có điều khoản về một giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 3/2019 nhằm đảm bảo Brexit diễn ra có trình tự.

Tuy nhiên, ông Glen cũng cảnh báo nếu môi trường trở nên không thuận lợi với Trung tâm tài chính London thì Anh cần có hành động phù hợp để bảo vệ lợi ích.

Về thỏa thuận song phương với EU, ông Glen cho rằng trọng tâm hiện tại là đảm bảo một thỏa thuận song phương, trong đó EU mong muốn củng cố hệ thống tiếp cận thị trường tài chính toàn khối theo mô hình "tương ứng" (Equivalence).

Hiện hệ thống này đang cho phép các đối tác ngoại khối như các ngân hàng và công ty bảo hiểm từ Singapore, Nhật Bản và Mỹ tiếp cận thị trường tài chính EU nếu luật định tại quốc gia của họ đủ tương ứng với những luật định của EU.

[Brexit không có thỏa thuận - khả năng ngày càng lớn]

Tuy nhiên, Anh lại muốn có một thỏa thuận song phương qui định rõ Brussels không thể chặn quyền tiếp cận thị trường tài chính EU của Anh mà chỉ thông báo trong thời gian ngắn.

Theo ông Glen, hệ thống tiếp cận Equivalence không có hiệu lực với một số hoạt động tài chính quan trọng như cho vay thương mại trong khi một thỏa thuận tốt cần bao trùm tất cả các mặt của một vấn đề.

Hiện nhóm chuyên gia phối hợp giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu và BoE vẫn đang tích cực thảo luận sâu để đánh giá tác động của Brexit. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng ông Glen cho biết phản hồi từ các cá nhân tham gia nhóm đều rất tích cực.

Lĩnh vực tài chính tạo ra hơn 70 tỷ bảng Anh (khoảng 92 tỷ USD) thu nhập từ thuế cho Chính phủ Anh mỗi năm, trong đó EU là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất.

Một số nghị sỹ Anh từng khẳng định mong muốn chính phủ nước này đảm bảo các qui tắc trong thời kỳ hậu Brexit không làm tổn hại tới khả năng cạnh tranh của trung tâm tài chính London.

Khi tương lai quan hệ thương mại Anh và EU vẫn chưa được định hình rõ ràng nhiều công ty tài chính hiện đang ở Anh đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm địa điểm mới tại các thành phố lớn khác của EU như Paris, Frankfurt...

Trên thực tế, dù không nhiều công ty tài chính khẳng định chắc chắn sẽ di chuyển địa điểm và nhân viên tới quốc gia khác nhưng các hoạt động đàm phán lựa chọn đại điểm thay thế vẫn đang tiếp diễn để sẵn sàng rời London trong trường hợp cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục