Tiến trình thực thi Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) do chính phủ của Thủ tướng Theresa May đề ra, lại đang phải đối mặt với một thách thức pháp lý mới, liên quan tới khiếu nại yêu cầu Quốc hội cũng phải phê chuẩn việc rút nước này khỏi Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), một cơ chế cho phép 31 nước châu Âu trong và ngoài EU miễn thuế thương mại và tự do đi lại.
Yêu cầu này được đưa ra tại Tòa án Hành chính thuộc Tòa Thượng thẩm Anh ngày 29/12.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Theresa May, một khi Anh rời khỏi EU, London sẽ tự động ngừng tư cách thành viên EEA. Tuy nhiên, khiếu nại trên yêu cầu việc đưa nước Anh ra EEP cần nhận được sự phê chuẩn riêng của quốc hội.
Tất cả 28 nước thành viên EU đều nằm trong EEA, cùng Iceland, Na Uy và Liechtenstein.
Phát biểu trước báo giới, một người phát ngôn của Tòa Thượng thẩm cho biết một thẩm phán độc lập sẽ xem xét yêu cầu trên và quyết định khả năng tòa án này có thể tiến hành một cuộc điều trần hay không.
Trong khi đó, một người phát ngôn thuộc nhóm đàm phán Brexit của Anh cho biết yêu cầu mở một phiên tòa là do nhóm chuyên gia cố vấn thân EU có tên British Influence đề xuất.
Người phát ngôn này cũng xác nhận đã nhận được yêu cầu từ British Influence và sẽ trả lời trong thời gian thời gian tới theo thủ tục tố tụng thông thường.
Hồi tháng 11, British Influence đã thông báo quyết định trên để thách thức chính phủ, cho rằng việc chính phủ tự quyết định kế hoạch rời EEA và EU là "hành động bất hợp pháp," theo đó, British Influence tuyên bố cần làm rõ các thủ tục tư pháp liên quan.
Trước đó, cả Thủ tướng Anh và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis đều tuyên bố chính phủ đã lên kế hoạch kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - khởi động tiến trình Brexit vào cuối tháng 3/2017./.