Vấn đề Brexit: Quyền đánh bắt hải sản khiến ngư dân Anh bất an

Theo tờ thời báo Le Point của Pháp, các quy định về tương lai của việc đánh bắt hải sản được nêu trong thỏa thuận Brexit đang khiến ngư dân Anh hết sức bất an.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Quyền đánh bắt hải sản là một trong những nội dung thách thức nhất trong khuôn khổ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), nhất là khi những người ủng hộ Brexit đã đưa ra ý tưởng rằng chủ quyền hàng hải của Anh sẽ cho phép nước này giành lại quyền kiểm soát tới 70% tài nguyên biển của mình, từ đó đảm bảo cho ngư dân Anh một nguồn thu nhập phong phú theo mô hình của Na Uy hay Iceland.

Tuy nhiên, theo tờ thời báo Le Point của Pháp, các quy định về tương lai của việc đánh bắt hải sản được nêu trong thỏa thuận Brexit đang khiến ngư dân Anh hết sức bất an.

Tờ Le Point cho biết các cuộc đụng độ giữa ngư dân Pháp, Anh và Ireland hồi tháng 8 vừa qua về việc đánh bắt sò huyết trên vùng biển Normandie đã tạo ra một bối cảnh cho các nhà đàm phán Brexit.

Trên thực tế, hơn 40% lượng cá mà các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã khai thác đều đến từ vùng lãnh hải của Anh.

Trong khi đó, người Anh cũng đang cần tiếp cận thị trường châu Âu duy nhất phi thuế quan để bán sản phẩm hải sản.

Chính sự phụ thuộc lẫn nhau - giữa một bên cần vùng đánh bắt hải sản và bên khác cần tiếp cận thị trường- sẽ là động lực để các bên có thể đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, tờ báo Pháp lại cho rằng ngư dân Anh đang giận dữ chống lại sự "đầu hàng" này. Việc Anh từ bỏ chính sách khai thác thủy sản chung sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn.

Cho đến khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối tháng 12/2020, Anh sẽ vẫn phải tuân theo chính sách thủy sản chung. Hiện hiệp hội nghề đánh bắt thủy sản của Anh, đại diện cho những ngư dân Anh ủng hộ Brexit, đang lên án mạnh mẽ thỏa thuận mà Anh và EU vừa đạt được và coi đây là một sự "đầu hàng" của chính phủ nước này.

Hiệp hội này cũng cáo buộc Thủ tướng Anh Theresa May đã "lừa dối" người dân Anh, đồng thời kêu gọi các nghị sỹ của Quốc hội bác bỏ thỏa thuận.

Cho đến nay, các ngư dân Anh đã vận động được 13 nghị sỹ bảo thủ Scotland sẵn sàng không bỏ phiếu chống lại thỏa thuận để ủng hộ cho các ngư dân Scotland.


[2 giả thiết, 7 kịch bản về bản thỏa thuận 'ly hôn' giữa Anh và EU]

Liên quan đến quyền đánh bắt hải sản, thỏa thuận Brexit qui định hạn ngạch khai thác được quyết định trong năm 2018 sẽ được áp dụng trong năm 2019 ở vùng lãnh hải của Anh. Thế nhưng kể từ ngày 29/3/2019, Anh sẽ không còn ở trong danh sách những quốc gia quyết định hạn ngạch khai thác hải sản.

Đến năm 2020, hạn ngạch sẽ được 27 quốc gia thành viên quyết định, còn Anh sẽ chỉ được tư vấn. Rõ ràng tình hình hiện tại sẽ không thay đổi.

Việc phân bổ hạn ngạch khai thác hải sản giữa các quốc gia thành viên EU và Anh cũng sẽ vẫn tuân theo các nguyên tắc tương tự như hiện nay. Hiện trạng có thể sẽ được giữ nguyên cho đến khi Anh và 6.200 tàu đánh cá của nước này giành lại toàn quyền kiểm soát vùng lãnh hải của mình.

Vậy điều gì xảy ra sau giai đoạn chuyển tiếp? Vẫn theo tờ Le Point, bản "tuyên bố chính trị chung" được các nhà lãnh đạo EU thông qua hôm 25/11 vừa qua đã chỉ đặt ra các nguyên tắc chung cho sự hợp tác trong tương lai.

Theo đó, Anh và EU cam kết đảm bảo rằng các hoạt động đánh bắt thủy sản không được phá hủy hệ sinh thái biển và các loài sinh vật biển đang bị đe dọa tiếp tục phải được bảo vệ theo quy định. Tuyên bố cũng đề cập đến hai quy định riêng biệt, đó là của châu Âu và của Anh.

Để tránh phát sinh những xung đột sau này, các bên đã cam kết đàm phán một thỏa thuận trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm giải quyết nguyên tắc "tiếp cận đối ứng" trong vùng lãnh hải tương ứng và thiết lập hạn ngạch khai thác.

Thỏa thuận này phải được ký trước ngày 1/7/2019 để có hiệu lực ngay sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Còn nếu Anh và EU không đạt được đồng thuận, đây là tình huống nguy hiểm nhất. Như vậy, "lưới an toàn" sẽ không áp dụng cho các vùng lãnh hải của Bắc Ireland.

Thỏa thuận Brexit đã cảnh báo rõ ràng rằng các sản phẩm thủy và hải sản buộc phải loại khỏi thỏa thuận hải quan với Anh. Các ngư dân Anh sẽ phải trả thuế hải quan theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vậy có động lực nào đủ để các bên hợp tác với nhau không? Tờ báo Pháp nhận định rằng tất cả cho đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ là giả định, bởi vì Quốc hội Anh cần phải thông qua thỏa thuận Brexit.

Trước rất nhiều sự phản đối từ tất cả các nhóm chính trị, kể cả phe bảo thủ, Thủ tướng Theresa May cần phải kêu gọi các bên hợp tác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục