Liên minh châu Âu (EU) phản ứng trước “cú sốc” Brexit (Anh rời EU) bằng cách thể hiện sự thống nhất, nhưng những bất đồng sâu sắc về tương lai phía trước đã nhanh chóng xuất hiện, nhất là về việc nên tiếp tục “mở rộng” hay “thu hẹp” phạm vi của khối này.
Trong số các nhà lãnh đạo muốn thúc đẩy EU hội nhập hơn nữa có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, các nhà lãnh đạo Pháp và nhiều nước Nam Âu. Họ đều hy vọng sẽ có thêm những chính sách thúc đẩy tăng trưởng và bớt đi các định chế tài chính.
Trái ngược là Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh theo quan điểm bảo thủ cùng nhiều nhà lãnh đạo Đông Âu lại muốn các nước EU kiểm soát chặt chẽ hơn những vấn đề của châu Âu. Phe này cho rằng việc cử tri Anh lựa chọn Brexit phản ánh thực tế là người dân châu Âu đang cảm thấy thất vọng muốn giành lại quyền lực về cho đất nước trước sự chi phối của một EU thiếu sự sâu sát.
Theo chuyên gia Rosa Balfour thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ, mối đe dọa chung từ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ngày càng tăng đã khiến tất cả các lãnh đạo phải nỗ lực tìm câu trả lời.
Bà Balfour nhận xét không chỉ Anh suy yếu mà cả châu Âu đang rạn nứt. Những gì xảy ra ở Anh cũng có thể xảy ra ở nhiều nước EU khác. Tất cả đều cho rằng liên minh này cần phải tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm hơn, nhưng việc chưa ngã ngũ là ai sẽ cầm lái con thuyền EU đã dẫn tới những chia rẽ về quan điểm mở rộng hay thu hẹp châu Âu.
Bên cạnh đó, câu hỏi về việc làm thế nào để ổn định được nền kinh tế châu Âu đang suy thoái, tạo thêm việc làm và giành lại được niềm tin của người dân là điều đang gây chia rẽ các nước ở Bắc và Nam của EU, cũng như các phe cánh tả và cánh hữu.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault, đều theo phái trung-tả, đã kêu gọi tiếp tục nỗ lực hướng tới xây dựng một liên minh chính trị ở châu Âu có ngân sách chung trong tương lai.
Chủ tịch Nghị viên châu Âu Martin Schulz cũng hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) trở thành “một chính quyền thực sự của châu Âu” nằm dưới sự giám sát của cơ quan lập pháp và phải chịu trách nhiệm trước cử tri.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng chính chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã khiến tình hình châu Âu ngày càng trầm trọng hơn và rằng kết quả Brexit là do những người nghèo đã bỏ phiếu lựa chọn “ra đi.”
Đây cũng là quan điểm của Pháp và Italy, vốn cho rằng EU cần linh hoạt hơn trong các quy định về ngân sách để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và việc làm.
Trong khi Thủ tướng Merkel đánh giá Anh là một đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống các chính sách tài chính rườm rà và lỏng lẻo của EU; đồng thời kêu gọi EU nên cho Anh thêm thời gian, ông Juncker, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi lại liên tiếp thúc giục Anh khẩn trương tiến hành thủ tục rời khỏi “mái nhà chung” EU.
Ông Jean-Dominique Giuliani, người đứng đầu tổ chức tư vấn Schumann, cho rằng những mâu thuẫn nói trên, cùng thực tế là cả Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới khiến người ta khó có thể hy vọng vào những thay đổi đáng kể mang tính tích cực trong EU./.