Vẫn còn nhiều rào cản khiến VAMC "bó tay" trong quá trình xử lý nợ xấu

Nợ xấu dù đã được kiểm soát và đưa về dưới mức 3% nhưng việc xử lý triệt để các khoản nợ xấu tại nhiều ngân hàng thương mại lại không đơn giản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nợ xấu dù đã được kiểm soát và đưa về dưới mức 3% nhưng việc xử lý triệt để các khoản nợ xấu tại nhiều ngân hàng thương mại lại không đơn giản.

Cần thêm quyền cho chủ nợ

Thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được kéo về dưới 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nhưng bản thân các ngân hàng vẫn đang phải tiếp tục trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu mới phát sinh, trích dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và thu hồi nợ từ khách hàng…

Tuy nhiên, việc thu hồi nợ từ khách hàng không dễ dàng. Mặc dù mới đây VAMC được bổ sung thêm một số “quyền năng” như có thể mua bán nợ xấu theo giá thị trường, chủ động mua bán, cơ cấu nợ… Đấy là tín hiệu tốt.

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, khi chúng ta chấp nhận nợ xấu mua bán theo giá thị trường chắc chắn sẽ có tổn thất nhất định. Có thể coi tổn thất đó là rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Chúng ta đánh giá rõ khoản nợ nào mà do yếu tố khách quan gây ra thì phải chấp nhận thiệt hại.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng, để có bước đi mạnh mẽ, dứt điểm trong vấn đề nợ xấu, việc thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng kiên quyết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế đã được đưa ra trong cuộc gặp các doanh nghiệp là rất quan trọng.

"Muốn xử lý nợ xấu mà không để thiệt hại, không mất đồng vốn mà lại hình sự hóa quan hệ kinh tế thì rất khó xử lý. Như vậy hoạt động này chắc chắn chậm trễ," ông Trung nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa đang gây trở ngại cho việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đó là liên quan đến thủ tục hành chính như quy trình để xin cấp giấy chứng nhận hay chuyển quyền giấy chứng nhận nhà đất rất rắc rối và mất nhiều thời gian. Mà tài sản đảm bảo của khách hàng tại ngân hàng chủ yếu là bất động sản. Chưa kể từ lúc ngân hàng khởi kiện đến lúc thi hành một bản án quá lâu nên việc xử lý khoản nợ xấu gặp vô vàn khó khăn. Rất nhiều trường hợp ngân hàng đã kiện ra tòa nhưng quá trình thi hành án thu hồi nợ rất trầy trật.

Một lãnh đạo ngân hàng đưa ra dẫn chứng, đã 4 năm nay công tác thu hồi nợ của ngân hàng ông tại một doanh nghiệp thép đã không được lãnh đạo công ty này không hợp tác. Dù vật vã bao lần đi lại, đàm phán, rồi kiện tụng… nhà băng này vẫn “chịu cứng”, không thu được đồng nào từ 100 tỷ đồng gốc vay còn lại (chưa kể lãi). Tòa yêu cầu ngân hàng xác minh địa chỉ để gửi trát tới, ngân hàng chật vật mới tìm ra, song lập tức doanh nghiệp lại thay đổi hoặc viện ra đủ lý do.

Ch​ính vì vậy ông Trung đề xuất, đã đến lúc có những cơ chế giao quyền cho các chủ nợ lớn hơn. Nghĩa là, thay vì chủ nợ lần lượt đi khởi kiện người vay nợ ra toà, sau đó qua các lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, thi hành án… mới có quyền thu giữ, phát mại tài sản, thì có thể có một cơ chế cho chủ nợ được quyền xử lý tài sản đảm bảo để đảm bảo thu hồi nợ.

Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý, để tránh chuyện chủ nợ lợi dụng quyền hạn này thì người vay nợ được bảo lưu toàn bộ quyền được khởi kiện, nếu chủ nợ làm sai. "Nếu chúng ta làm được như vậy, theo tôi không chỉ giải quyết rất nhanh việc xử lý tài sản đảm bảo mà số lượng án từ tồn đọng đến khởi kiện cũng giảm đi đáng kể," ông Trung khẳng định.

Vướng nhiều thủ tục pháp lý

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC. Họ kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được bảo đảm về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trức doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò, hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo... nên họ mới chỉ tìm hiểu chứ chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.

Trên thực tế, các khoản nợ xấu của các ngân hàng bán cho VAMC đều là các khoản nợ quá hạn khó có khả năng thu hồi. Do đó, nhiều khoản nợ xấu đã bán cho VAMC có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, nếu áp dụng điều kiện chuyển nhượng bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản thì sẽ bị hạn chế số lượng các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản được chuyển nhượng và ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, đồng thời ảnh hưởng đển việc tiếp tục triển khai dự án bất động sản nói chung.

Ngay cả những cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chiểu theo quy định pháp luật hiện hành, có thể thấy chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ bị hạn chế.

Cũng theo ông Hùng, việc thu giữ tài sản đảm bảo chưa được đề cập đến trong Luật Dân sự gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Ví dụ, tại Điều 301 Bộ Luật Dân sự 2015, người đang giữ tài sản đảm bảo có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Nhưng trong trường hợp khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản, bên nhận chỉ có mỗi cách là khởi kiện tranh chấp ở tòa. Mà khởi kiện tại tòa án mất rất nhiều thời gian.

Hay như tại Nghị định 53 đã sửa đổi bổ sung quy định sau khi mua nợ, VAMC trở thành chủ nợ và có đầy đủ quyền của chủ nợ, bao gồm cả quyền “nhận bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm”.

Ông Hùng cho biết, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng trong năm nay VAMC sẽ mua 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. "Dù khó thì chúng tôi vẫn quyết phải thực hiện. Hiện, VAMC đã hoàn thiện các thủ tục lựa chọn 5 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và 5 tổ chức thẩm định giá nhằm chuẩn bị triển khai các hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo," ông Hùng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định điều kiện kinh doanh mua bán nợ. Sau khi Nghị định được ban hành có thể mất một vài tháng để doanh nghiêpk thành lập, chuẩn bị nguồn lực tham gia vào thị trường mua bán nợ. Lúc đó, chắc chắn thị trường hoạt động sôi nổi hơn, tác động tích cực thúc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu./.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank kiến nghị tăng thêm quyền cho chủ nợ
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục