Vẫn còn hy vọng mong manh cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp

Chủ tịch Eurogroup khẳng định cánh cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc đàm phán với Athens kể cả sau khi cuộc đàm phán giữa nước này với các chủ nợ đã đổ vỡ hồi cuối tuần qua.
Vẫn còn hy vọng mong manh cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp ảnh 1Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Ngày 30/6, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hết hiệu lực, cũng là thời điểm quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này đáo hạn khoản vay 1,5 tỷ euro đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Song, có lẽ thời hạn chót này sẽ không thể thực hiện do đến thời điểm này Athens và nhóm "bộ ba" chủ nợ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Nỗ lực từ các phía vẫn đang ở mức cao nhất có thể nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi cảnh vỡ nợ, đồng nghĩa với việc nước này ra khỏi Eurozone, một kịch bản không ai mong muốn.

Lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi Hy Lạp và các chủ nợ quay trở lại bàn đàm phán trước khi kết thúc thời hạn chót.

Ngày 29/6, EP đã tiến hành phiên họp đặc biệt để thông qua lập trường chung cho bước đi tiếp theo nhằm tránh để xảy ra những diễn biến tiêu cực cho Hy Lạp và tìm giải pháp kéo dài chương trình cứu trợ, coi đây như biện pháp tạm thời cho đến khi Xứ sở Thần thoại hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý về việc "có hay không" tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng" để nhận khoản vay mới.

Đây được xem là dấu hiệu tích cực từ phía Liên minh châu Âu (EU) nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Hy Lạp.

Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem khẳng định cánh cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc đàm phán với Athens kể cả sau khi cuộc đàm phán giữa nước này với các chủ nợ đã đổ vỡ hồi cuối tuần qua.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và nhất trí rằng điều quan trọng hiện nay là thống nhất về một gói các biện pháp cải cách cho Athens để nước này quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm khuyến khích các bên quay trở lại bàn đàm phán để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và đảm bảo sự ổn định tài chính của nước này.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định việc đạt được mục tiêu đó “có lợi cho tất cả các bên tham gia bàn đàm phán.”

Đề cập đến tình hình Hy Lạp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn giữ Athens ở lại Eurozone, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại quốc gia Nam Âu này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU, ông Lý Khắc Cường khẳng định đây là thời điểm "cực kỳ quan trọng" để thu hẹp bất đồng giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và IMF).

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, cả Hy Lạp và châu Âu đều phải cố gắng để vượt qua thách thức và cuộc khủng hoảng hiện nay.

Mặc dù không trả lời trực tiếp liệu Bắc Kinh có sẵn sàng cho Athens vay tiền để giải quyết những khó khăn hiện nay, song ông cho biết Trung Quốc đã có những nỗ lực riêng dành cho nước này.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cử tri Hy Lạp nói "có" với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để tiếp tục nhận cứu trợ trong cuộc trưng cầu diễn ra ngày 5/7 này, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi người dân bình tĩnh, cho rằng cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về kế hoạch "đổi tiền lấy cải cách" của các chủ nợ sẽ khiến nước này được trang bị tốt hơn trong cuộc chiến đối phó với khủng hoảng.

Mặc dù vậy, ông Tsipras khẳng định rõ ràng rằng Hy Lạp không thể thanh toán được khoản nợ 1,5 tỷ euro cho IMF đúng thời hạn chót (30/6), thời điểm chương trình cứu trợ quốc tế dành cho nước này hết hiệu lực.

Trong lúc này, khoảng 17.000 người dân Hy Lạp đổ ra đường phố ở thủ đô phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" và kêu gọi nói "không" với chính sách này trong cuộc trưng cầu sắp tới. Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ, băngrôn ghi rõ: "Cuộc sống của chúng tôi không phải phụ thuộc vào các chủ nợ."

Đa số người biểu tình ủng hộ Thủ tướng Tsipras và nói rằng sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của ông nói "không" với thỏa thuận vay mà theo đó người dân tiếp tục thực thi chính sách khắc khổ đã khiến người dân khốn khó 5 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục