Vẫn còn 5 người nước ngoài đang mất tích ở Algeria

Nhà chức trách Algeria đang tìm kiếm 5 người nước ngoài vẫn mất tích và cố gắng xác nhận danh tính của 7 thi thể cháy đen khác.
Nhà chức trách Algeria đang tiếp tục tìm kiếm năm người nước ngoài hiện vẫn còn mất tích tại nước này và cố gắng xác nhận danh tính của bảy thi thể đã cháy đen khác, vài ngày sau cuộc khủng hoảng con tin đẫm máu.

“Hiện vẫn chưa có tin tức gì về năm người nước ngoài mất tích,” một nguồn tin nói với AFP, sau khi các lực lượng đặc nhiệm Algeria tiến hành cuộc tấn công vào ngày 19/1 nhằm vào những tay súng Hồi giáo bắt giữ hàng trăm con tin ở một nhà máy khí đốt nằm sâu trong sa mạc.

Ba mươi bảy người nước ngoài thuộc tám quốc tịch khác nhau và một người Algeria đã thiệt mạng trong vụ đọ súng. Những kẻ bắt cóc đòi thả các tù nhân Hồi giáo và chấm dứt can thiệp quân sự của Pháp ở Mali.

Thông báo về số người thiệt mạng được đưa ra ngày 21/1, nhưng Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal chưa xác định cụ thể quốc tịch của những người nước ngoài thiệt mạng, và cho biết bảy thi thể vẫn chưa thể nhận dạng, ngoài ra còn có năm người vẫn đang mất tích.

[Algeria công bố số người thiệt mạng vụ cứu con tin]

Các chuyên gia ngày 22/1 từ Na Uy đã tới thủ đô Algiers để giúp xác định các nạn nhân trong khi còn năm người Na Uy vẫn chưa rõ tung tích. “Khu nhà máy quá lớn nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các thi thể, nhất là những người nước ngoài mất tích,” một quan chức cho biết tại nhà máy In Amenas, cách thủ đô Algiers 1.300km về phía Đông Nam.

Thi thể của những kẻ bắt cóc đã được đưa tới một nhà xác tại bệnh viện gần thị trấn. Trong số những kẻ bắt cóc, 29 tên bị tiêu diệt và ba kẻ khác bị bắt. Một nguồn tin an ninh nói trong số những kẻ bị bắt sống có hai người Algeria và một người Tunisia.

Một nguồn tin thân cận với các nhóm Hồi giáo cực đoan cho biết các phiến quân, phần lớn vào Algeria qua đường Libya, sử dụng vũ khí Libya, nhận hỗ trợ hậu cần từ các phần tử Hồi giáo ở đó.

Một nguồn thân cận với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libya đã chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan cho biết “hỗ trợ hậu cần được đưa sang từ Libya” kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi sụp đổ.

Nguồn tin này không nói cụ thể những hỗ trợ là gì, nhưng thừa nhận các phần tử Hồi giáo Libya chịu trách nhiệm cho việc thiết lập liên hệ giữa những kẻ bắt cóc và giới truyền thông.

Từ Nhật Bản, những câu chuyện thương tâm về vụ bắt cóc đã được kể lại. Một máy bay của chính quyền cũng rời Nhật Bản vào cuối ngày thứ Ba tới Algeria. Chiếc máy bay dự kiến sẽ đưa những người sống sót và thi thể những người thiệt mạng về nước vào ngày 24/2, tất cả đều là nhân viên của các nhà thầu cho công ty Nhật Bản JGC.

Hiện bảy người Nhật được xác nhận đã thiệt mạng, ba người khác vẫn còn mất tích.

[Nhật Bản tang tóc vì mất nhiều công dân ở Algeria]

Một số chính phủ nước ngoài, nhất là Nhật Bản, bày tỏ quan ngại về cách Algeria phản ứng với cuộc khủng hoảng mà nhiều người cho là vội vàng, nhưng sự chỉ trích sau đó nhắm vào những phần tử Hồi giáo vũ trang đứng đằng sau cuộc khủng con tin.

Chính quyền đã sử dụng lực lượng đặc nhiệm để giải cứu 685 con tin người Algeria và 107 con tin người nước ngoài, hầu hết trong ngày thứ Năm, trong cuộc tấn công thứ nhất.

Bộ trưởng năng lượng Algeria, Youcef Yousfi, ngày 20/1 nói rằng nhà máy khí đốt này sẽ vận hành trở lại “trong hai ngày tới” và thiệt hại vật chất trong cuộc khủng hoảng bốn ngày vừa qua là “không đáng kể”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục