Ván cờ nước đôi của Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang

Công ty an ninh hàng hải tư nhân Dryad Maritime nhận định: “Nhiều khả năng những đe dọa hàng hải trong khu vực này sẽ leo thang, bởi bế tắc địa chính trị giữa Iran và Saudi Arabia vẫn tiếp diễn”.
Tàu chở dầu Sabiti của Iran tại Biển Đỏ ngày 10/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, sau hơn bốn thập kỷ theo đuổi rất nhiều các cuộc đàm phán theo đường hướng nhân nhượng, chính sách của Iran đã được xây dựng theo hai hướng khác biệt.

Một mặt, Iran thể hiện sự cứng rắn của mình với những hành động bị đánh giá là mang tính khủng bố đặc trưng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Mặt khác, Tehran lại thúc đẩy chính sách đối ngoại nhằm duy trì các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cả hai hướng đi này đều nhằm bảo toàn chế độ.

Vụ tàu chở dầu của Iran gặp nạn trên biển cùng những bình luận và thông tin liên quan là bằng chứng mới nhất phản ánh thực tế kể trên. Các cơ quan chính phủ Iran đã đưa ra những nhận định về việc tàu chở dầu SABITI của Iran bị “hai tên lửa” tấn công hôm 11/10, khiến vụ việc và bản chất của nó trở nên phức tạp hơn thực tế những gì được công bố trước đó.

Saudi Arabia tuyên bố không liên quan đến vụ tấn công trên Biển Đỏ, sự kiện khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng 2%. Hãng thông tấn Saudi Arabia SPA đưa tin cho biết cùng ngày xảy ra vụ việc họ đã nhận được tín hiệu khẩn cấp từ một tàu chở dầu gặp sự cố của Iran tại Biển Đỏ, song con tàu này vẫn tiếp tục di chuyển và tắt hệ thống tín hiệu trước khi họ có thể tìm thấy và hỗ trợ nó. Theo SPA, tàu SABITI không hề phản hồi mọi nỗ lực liên lạc từ phía giới chức Saudi Arabia.

Vài giờ sau vụ tấn công, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran, một doanh nghiệp quốc doanh, phủ nhận thông tin cho rằng các tên lửa phóng ra từ lãnh thổ Saudi Arabia đã nhằm vào tàu chở dầu của họ ở Biển Đỏ.

Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA, đưa tin: “Con tàu gặp sự cố vào sáng nay khi cách cảng Jeddah của Saudi Arabia khoảng 60 dặm. Một số nguồn tin nói rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố song không hề có tên lửa nào từ đất Saudi Arabia nhắm vào tàu chở dầu này."

[Iran hoan nghênh mọi nỗ lực giúp giảm căng thẳng với Saudi Arabia]

Hãng tin AP dẫn lại các hình ảnh được Bộ Dầu mỏ Iran cho thấy không có hư hại nào trên con tàu. Tuy nhiên, các hình ảnh này không chụp lại toàn bộ các phần của SABITI. Ảnh chụp vệ tinh trong khu vực cũng không ghi nhận bất kỳ đám khói nào đáng kể.

Hãng cố vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết họ không có bằng chứng chắc chắn về người đứng đằng sau vụ việc này.

Trong khi đó, hãng thông tấn Fars, một nhánh của IRGC, dẫn lời người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Ali Shamkhani nói: “Những kẻ cướp biển và những âm mưu tại tuyến đường biển quốc tế nhằm xáo trộn hoạt động vận tải thương mại chắc chắn sẽ phải trả giá."

Khói bốc lên từ tàu chở dầu của Iran gần thành phố cảng Jeddah (Saudi Arabia) sau vụ nổ ngày 11/10/2019. (Ảnh: Mirror/TTXVN)

Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei gọi cuộc tấn công ngày 11/10 là hành động “ngu xuẩn” và cho biết Iran sẽ “đáp trả tương xứng” sau các cuộc điều tra.

Tất cả có lẽ chỉ là một toan tính trong tổng thể kế hoạch mà Iran thực hiện làm leo thang căng thẳng và gây gián đoạn tuyến vận tải đường biển ở Vịnh Persia. Iran thực tế đã chuẩn bị sẵn một ván cờ hai mặt, một mặt nói rằng họ sẵn sàng đối thoại với Saudi Arabia, dù có trung gian hay không. Trong khi thực tế, lãnh tụ tối cao Khamenei lại kêu gọi IRGC sẵn sàng cho các cuộc đụng độ.

Trong bài phát biểu hồi trung tuần tháng 10, ông Khamenei còn nhấn mạnh rằng IRGC nên được trang bị “các lại thiết bị phòng thủ, tấn công và tình báo tân tiến cũng như trang bị kiến thức về an ninh mạng” để sẵn sàng tham chiến “trên mặt đất, trên không, trong không gian, trên biển, tại biên giới và cả trong nước."

Công ty an ninh hàng hải tư nhân Dryad Maritime nhận định: “Nhiều khả năng những đe dọa hàng hải trong khu vực này sẽ leo thang, bởi bế tắc địa chính trị giữa Iran và Saudi Arabia vẫn tiếp diễn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục