Văn chương sẽ đóng vai trò chữa lành cho tâm hồn, dấy lên niềm hy vọng và trao niềm tin cho con người vượt qua những chênh vênh hậu COVID-19, lo lắng vì kinh tế khó khăn hay hoang mang khi hàng loạt cán bộ sa ngã…
Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội nghị Triển khai Công tác Văn học năm 2024 ngày 26/1.
Nhân dịp này, nhà thơ đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những nhiệm vụ trọng tâm của những người cầm bút trong năm 2024.
Văn chương có xu hướng 'chữa lành'
- Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết những điểm nổi bật trong hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2024?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi có một danh sách dài những công việc cần làm bởi năm 2024 và 2025 có rất nhiều sự kiện kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước mà nhà văn, nhà thơ không thể đứng ngoài cuộc.
Khởi đầu năm 2024 là Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vào đúng Rằm tháng Giêng (24/2/2024) với chủ đề “Bản hòa âm đất nước.”
Đó là ngày hội thơ của các tác giả tiêu biểu đến từ các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Tày, Khmer, Chăm… Từ khắp mọi miền đất nước, họ sẽ tụ hội ở Hoàng thành Thăng Long, cùng nhau cất lên bài ca về con người, về dân tộc và về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng tôi đã lựa chọn những di sản thơ hay của các dân tộc như trường ca “Đẻ đất đẻ nước,” sử thi Đam San, Xinh Nhã… Trong khuôn khổ chương trình sẽ có những hội thảo, tọa đàm bàn về bản sắc dân tộc, làm sao chúng ta tiếp cận thơ ca hiện đại để có thể đồng hành cùng các nhà thơ trên thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc trong những sáng tạo của mình.
Tiếp đó, chúng tôi sẽ chuẩn bị hội thảo tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), tiếp tục tổ chức các cuộc vận động sáng tác. Dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” dự kiến tiếp tục mang 30.000 cuốn sách đến tận tay các em.
Một công việc rất quan trọng nữa là chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2025-2030.
- Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp thêm 66 hội viên mới. Ông có kỳ vọng và gửi gắm gì ở họ?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vận mệnh, số phận, chất lượng của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào những người cầm bút. Hội Nhà văn Việt Nam chỉ đóng vai trò gợi mở, hỗ trợ. Chắc chắn những gương mặt mới sẽ góp thêm những giọng nói mới, vẻ đẹp mới, ý chí mới cho hoạt động của Hội.
Tôi cho rằng việc gia nhập hội không khiến họ viết hay hơn, họ không có quyền lợi gì về mặt vật chất mà ngược lại, họ có thêm sứ mệnh, trách nhiệm mới, nặng nề hơn. Họ không thể viết và nói một cách cẩu thả. Họ phải biết yêu thương con người, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, dám lên tiếng vì sự công bằng xã hội.
Chủ tịch Hội Nhà văn: ‘Không có văn hóa, nhân loại sẽ thành kẻ mù lòa'
- Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về xu hướng chủ đạo trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ trong thời gian tới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức và những hoang mang về thời cuộc, tôi thấy các tác phẩm văn chương có xu hướng khích lệ tinh thần con người, tạo ra niềm tin cho người đọc.
Các tác phẩm đưa người đọc đi tìm những vẻ đẹp, những niềm hy vọng lớn lao, ẩn khuất trong chính những điều mà chúng ta đang lo lắng và sợ hãi.
Gieo mầm thiện bằng tình yêu sách
- Thưa ông, trong năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng 7 vạn cuốn sách thông qua dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa.” Ông đánh giá dự án này có ý nghĩa như thế nào trong phát triển văn hóa đọc?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi rất tự hào vì đã xã hội hóa thành công dự án này. Chúng tôi đã đến vùng sâu, vùng xa phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện dự án ý nghĩa này.
Chúng tôi đã trao tận tay các em nhỏ với hy vọng rằng các em sẽ đặt cuốn sách ở đâu đó trong nhà, trên bàn học, ở bậc cửa, trong bếp hay trên lưng trâu… bất kỳ đâu tiện lợi nhất cho việc đọc sách mỗi ngày. Đó là biểu hiện thiết thực nhất của văn hóa đọc.
- Dự án ý nghĩa này sẽ được tiếp tục như thế nào trong năm 2024, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi đi đến vùng sâu, vùng xa để trao tặng sách cho thiếu nhi, tôi ngạc nhiên và xúc động khi thấy các em vui sướng đón nhận những cuốn sách. Tôi giật mình tự hỏi liệu có phải đôi khi chúng ta đã bỏ rơi nhu cầu đọc sách của trẻ em.
Trong năm nay, dự án sẽ được tiếp tục xã hội hóa. Hội dự định tổ chức một cuộc hội thảo về sáng tác cho trẻ em, mang sách đến với trẻ em và từ đó phát triển văn hóa đọc. Do kinh phí hạn hẹp, chúng tôi không thể làm tất cả những gì mình mong muốn, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ nỗ lực gợi mở, tiên phong trong việc mang sách đến với trẻ em mọi miền.
Tôi cho rằng đó là việc gieo mầm thiện xuống những đứa trẻ. Khi trẻ em chờ đợi, háo hức mở ra một cuốn sách thì chúng ta có thêm hy vọng vào công cuộc chấn hưng văn hóa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!