Vẫn cần giải pháp căn cơ giải quyết thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Lãnh đạo nhiều sở y tế và các bệnh viện đề nghị thời gian tới cần khẩn trương sửa đổi Luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế.
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành trong bối cảnh thiếu vật tư, trang thiết bị y tế trầm trọng ở hầu hết các bệnh viện, nhiều bệnh viện, sở y tế các địa phương để phần nào tháo gỡ "nút thắt" trong mua sắm, đấu thầu hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện nhiều sở y tế cho hay vẫn còn lúng túng khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 07 và về lâu dài vẫn cần có biện pháp để giải quyết căn cơ vấn đề.

Vẫn lúng túng khi triển khai

Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho hay 2 văn bản trên đang góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt về thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập. Trong đó có những quy định thí điểm thực hiện đến ngày 31/12/2023.

Ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu. Việc sửa đổi theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị được phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng. Hiện nay Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 cũng đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống pháp lý.

Ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành hỗ trợ hướng dẫn cụ thể Điều 45 của Nghị định 07 trong tình huống nào được xác định là cấp bách. Đơn cử như việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế… liên quan đến hoạt động cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa? Bởi trong tình huống này, thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu rút gọn. Nếu không có hướng dẫn này thì kể cả thông suốt tất cả các nội dung thì việc mua sắm đầu thầu không đơn giản, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.

“Với những vật tư, sinh phẩm dùng nhiều, thường quy nên thực hiện như thuốc biệt dược đàm phán giá, nếu đàm phán giá tập trung quốc gia, thì các địa phương dựa vào đó mua kịp thời mà không phải thông qua đấu thầu. Việc công khai giá toàn quốc sẽ rất thuận lợi cho quá trình mua sắm kịp thời, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn," Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

[TP.HCM: Băn khoăn sau khi tháo gỡ vướng mắc mua sắm thiết bị y tế]

Đại diện Sở Y tế Thanh Hóa chia sẻ Nghị định 07 và Nghị quyết 30 giải quyết trước mắt tình hình mua sắm được dễ dàng hơn, đặc biệt là vấn đề báo giá (trước kia bắt buộc 3 báo giá, giờ có thể 1 hoặc 2 báo giá). Sở Y tế Thanh Hóa đã giao cho đơn vị mua sắm thành lập Hội đồng chuyên gia để xác định yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, nội dung này chỉ áp dụng trong giai đoạn tình huống (hết năm 2023). Để có cơ chế lâu dài hơn, về mua sinh phẩm, hoá chất, vật tư theo máy độc quyền, Sở Y tế Thanh Hóa kiến nghị Bộ Y tế nên giao việc theo hướng đàm phán giá, bởi nếu đấu thầu thì coi như là biết trước, do vậy dưới cơ sở rất khó khăn, lo lắng khi làm thầu bị sai phạm.

Dược sỹ Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay sau khi có 2 văn bản quan trọng của Chính phủ, Sở Y tế đã họp với các đơn vị trên địa bàn, hầu hết các bệnh viện đều cho biết đã giải quyết được 80-90% công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

“Thành phố Hồ Chí Minh được tài trợ nhiều trang thiết bị phục vụ chống dịch, Sở Y tế đã phân bổ cho các bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh. Thời gian qua các bệnh viện cũng lo lắng việc sử dụng các máy này sẽ gặp khó khăn khi thanh toán bảo hiểm y tế, do vậy khi Nghị quyết 30 cho thanh toán bảo hiểm y tế với các máy này, các bệnh viện yên tâm hơn để phục vụ người bệnh," Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích.

Tuy nhiên, đại diện ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần được thể chế một số nội dung liên quan đến đấu thầu, mua sắm bằng văn bản quy phạm pháp luật và sớm có hướng dẫn vì một số nội dung của Nghị quyết 30 có giá trị đến ngày 31/12/2023; Còn đối với Nghị định 07, kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai giá.

Lãnh đạo nhiều Sở Y tế và các bệnh viện cũng đề nghị thời gian tới cần khẩn trương sửa đổi luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, cụ thể cần có những quy định riêng dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia.

Nhiều đơn vị y tế cũng băn khoăn về việc những hướng dẫn trong nghị quyết 30 chỉ mang tính tạm thời, nếu sau này thanh tra, kiểm toán có được chấp nhận hay không?Từ đó nhiều sở y tế đề nghị cần triển khai nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Phải có giải pháp căn cơ

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đây là 2 văn bản quan trọng, đã bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

"Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Do đó, những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… khi triển khai, Bộ Y tế sẽ ghi nhận và phối hợp với bộ, ngành trung ương báo cáo lên Chính phủ. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Bởi có những quy định trong Nghị quyết 30 như mục 3, Chính phủ chỉ cho áp dụng thí điểm để xây dựng giá đấu thầu đến hết năm 2023.

Đối với trường hợp chỉ có một nhà thầu, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết trên cơ sở tính năng, tác dụng, trên thị trường duy nhất chỉ có 1 đơn vị bán máy thì bắt buộc phải lấy giá của nhà cung cấp này. Đây là giá để xây dựng giá gói thầu, khi xong mới chuyển sang đấu thầu theo quy định. Khi thực hiện 1 giấy báo giá phải đảm bảo chặt chẽ, phải có chứng minh cụ thể, tránh xảy ra lợi dụng chỉ có một báo giá mà xảy ra vi phạm trong đấu thầu.

Thứ trưởng Tuyên cũng lưu ý các đơn vị của Bộ Y tế phải sớm hoàn thiện về thể chế, tiến tới phải sửa Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đồng thời khẩn trương xây dựng Luật về trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng được tất cả các văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc.

Về vấn đề liên doanh liên kết, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết nội dung này đã được đề cập đến trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực vào năm 2024. Bộ Y tế sẽ tham mưu về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục