VAMC: Xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu, khôi phục doanh nghiệp

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị VAMC phải xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2018, tập trung mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào chiều ngày 18/1, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC nhấn mạnh: “Xử lý nợ xấu không thể chỉ ăn xổi ở thì, mua đứt bán đoạn là xong. Phải gắn liền với hoạt động tái cơ cấu, tái cấu trúc, khôi phục hoạt động các doanh nghiệp đang có nợ xấu để phục hồi tiếp tục có cơ hội phát triển."

Thu hồi được 30.700 tỷ đồng nợ xấu

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, năm 2017, Công ty này đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 32.377 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 31.831 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đầu năm.

Cũng theo báo cáo về kết quả thu hồi nợ, năm 2017, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước giao (22.000 tỷ đồng), tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016.

[Chuyên gia hiến kế giải quyết nhanh nút thắt về nợ xấu]

Bên cạnh đó, trong năm qua VAMC cũng đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong đó, VAMC đã thanh toán dứt điểm cho 3 tổ chức tín dụng trong năm 2017. Số tiền phải thanh toán còn lại, VAMC đã thỏa thuận với các tổ chức tín dụng cho VAMC chậm trả với thời hạn từ 6-9 tháng để VAMC có đủ thời gian thực hiện xử lý, thu hồi nợ và thanh toán cho các tổ chức tín dụng.

Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.

Để có được hoạt động thu nợ hiệu quả này, theo ông Thắng là có sự phối hợp rất tích cực, chủ động của các tổ chức tín dụng. Điển hình là Sacombank đã thu gần 5.000 tỷ đồng nợ bán cho VAMC thông qua bán đấu giá tài sản; Agribank trong năm 2017 thu nợ khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu; Ngân hàng Xây dựng cũng đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cũng cho biết, vận dụng hiệu quả Nghị quyết 42 trong công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ngân hàng này đã thu hồi nợ xử lý rủi ro trên 2.600 tỷ đồng.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống xử lý sạch nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Tính riêng trong năm 2017, ngân này hàng đã xử lý thu nợ để giảm nợ xấu nội bảng trên 4.650 tỷ đồng, thu nợ xấu ngoại bảng trên 2.180 tỷ đồng, đặc biệt số tiền thu hồi nợ xấu ngoại bảng đã đóng góp 20% vào lợi nhuận của toàn hệ thống.

Một lãnh đạo ngân hàng khác cũng thừa nhận, nhờ động thái VAMC quyết liệt thu giữ tài sản có giá trị lớn nhất lên tới 7.000 tỷ đồng (dự án Sài Gòn One Tower) sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các ngân hàng mới mạnh tay thực hiện hoạt động thu giữ tài sản đảm bảo thu hồi nợ.

Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C trị giá 7.000 tỷ đồng đã bị VAMC thu giữ. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Năm 2018 xử lý 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 42 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN và thực hiện tốt vai trò là tổ chức đặc biệt trong hoạt động xử lý nợ xấy, năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị VAMC phải xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2018, tập trung mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; chỉ thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng bán nợ xấu trong việc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm,… đối với nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hết năm 2018 xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng thông qua các giải pháp được phê duyệt tại Đề án cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017-2020 hướng tới 2022.

Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để triển khai lộ trình tăng vốn cho VAMC theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Và để tiếp tục tạo điều kiện tốt cho VAMC thực hiện tốt vai trò đặc biệt của mình, dự kiến trong thời gian ngắn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017-2020 hướng tới 2022.

Ông Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết thêm, năm 2018 VAMC sẽ tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, mặt khác cũng sẽ đẩy mạnh mua nợ theo cơ chế thị trường để mua bán dứt điểm các khoản nợ này, tiếp tục phân loại xử lý cho phù hợp.

Cùng với đó là tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho VAMC, như có trụ sở làm việc phù hợp, gắn với đầu tư trang thiết bị tin học, đảm bảo phân tích, phân loại, đánh giá các khoản nợ, cập nhật thông tin một cách minh bạch, chính xác; phát triển thị trường mua bán nợ, đưa các khoản nợ lên để các cá nhân tổ chức tham gia vào, giải quyết nợ xấu mà VAMC đã mua...

Ngoài việc mua bán nợ, thời gian tới đây, VAMC sẽ phải góp vốn, cơ cấu lại hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp vay vốn, tạo điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh có nguồn thu trả nợ.

Lãnh đạo VAMC cũng nhấn mạnh, trong hoạt động xử lý nợ xấu sự an toàn đặt lên hàng đầu. “Chúng ta bỏ đồng vốn ra phải thu được đồng vốn về, có một chút lợi nhuận để hạch toán vào thu nhập của công ty. Nhưng an toàn pháp lý cần phải được lưu tâm, đó là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo thực hiện hiện nay,” ông Đông lưu ý.

Năm 2018, VAMC đặt mục tiêu mua nợ xấu từ 27.000-32.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt; mua bán nợ theo giá trị thị trường khoảng 3.500 tỷ đồng; thu hồi 24.890 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi từ khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 20.000 tỷ đồng; thu hồi từ khoản nợ mua theo giá thị trường là 4.890 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục