VAMC đặt mục tiêu mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng đặt mục tiêu mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.
VAMC đặt mục tiêu mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vừa công bố bản kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019. Theo đó, VAMC đặt mục tiêu mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.

Cũng theo kế hoạch này, VAMC dự kiến sẽ thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu, phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.

VAMC cũng đề xuất các giải pháp nhằm thực thiện mục tiêu này. Cụ thể, để đảm bảo nguồn vốn mua nợ theo giá trị trường VAMC đề nghị trong năm 2019 được cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ (thêm 3.000 tỷ đồng) theo Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017.

Bên cạnh đó, VAMC cũng tập trung thực hiện mua theo giá thị trường đối với các khoản nợ xấu đã được mua bằng trái phiếu đặc biệt; rà soát danh sách các khoản nợ đang được hạch toán nội, ngoại bảng tại các tổ chức tín dụng, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42), VAMC đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, VAMC đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, bảo đảm tính thực thi cho quy định về "thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm," đảm bảo quyền lợi của bên mua tài sản đảm bảo.

[Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Nút thắt là tài sản đảm bảo]

Đồng thời, VAMC đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy định bổ sung hướng dẫn đối với quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các tổ chức, cá nhân mua lại từ VAMC theo quy định định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42.

Cùng với đó, bổ sung đối tượng được miễn chữ ký trên đơn đăng ký giao dịch bảo đảm để đảm bảo tính nhất quán trong thực thi quy định về quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua của VAMC theo Nghị quyết 42.

VAMC cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản dở dang.

Năm 2018, VAMC đã mua 761 khoản nợ của 13 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 30.917 tỷ đồng, giá mua nợ là 29.812 tỷ đồng, đạt 93,2% khối lượng trái phiếu đặc biệt theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Luỹ kế đến ngày 31/12/2018, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng là 338.849 tỷ đồng, giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng.

Về mua nợ xấu theo giá thị trường, VAMC đã thực hiện được 40 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.818,7 tỷ đồng, góp phần xử lý hơn 5.200 tỷ đồng dư nợ xấu cho tổ chức tin dụng, tăng so với năm 2017 là 1.684 tỷ đồng, đạt 80,5% kế hoạch.

Về thu hồi nợ, tổng số tiền thu nợ trong năm 2018 là 37.512 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2018 là 119.000 tỷ đồng. VAMC cũng đã bán 10.925 tỷ đồng nợ xấu, 5.200 tỷ đồng tài sản bảo đảm trong năm 2018, cơ cấu lại nợ 1.156 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục