Theo mạng tin Đa chiều và báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Malaya (Malaysia), Ngeow Chow Bing, cho rằng ASEAN nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nên ASEAN nhất định phải đưa ra tầm nhìn của mình đối với khu vực này, không thể để các nước lớn ngoài khu vực dẫn dắt.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ban đầu do các nước lớn bên ngoài khu vực ASEAN như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… thúc đẩy, ASEAN nằm ở vị trí trung gian của khu vực này nên đương nhiên phải thể hiện rõ lập trường của mình, không thể để cho các nước lớn nêu trên cho gì thì nhận cái đó, hơn nữa các nước lớn cũng có tính toán nhất định của họ khi đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Và đây chính là lý do vì sao ASEAN cũng phải đưa ra ý tưởng của mình về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong 10 nước ASEAN vẫn có 1 đến 2 thành viên có quan điểm khác nhau về chiến lược này.
Phần lớn những người thực sự chú ý đến cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” ở các nước Đông Nam Á chủ yếu là những người có địa vị trong xã hội, các chính trị gia, người dân cũng chưa thực sự hiểu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà chỉ có ấn tượng nhiều về châu Á-Thái Bình Dương.
Nói một cách thẳng thắn, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chứa đựng ý chí chủ quan của Mỹ, Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.
Nhưng về khách quan, các mối liên kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương quả thực đã khiến nó trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất, sôi động nhất trong nền kinh tế quốc tế, vì vậy các chiến lược gia sẽ chú ý đến khu vực này nhiều hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn tập trung vào an ninh quân sự hơn là một khái niệm về phát triển thực sự.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 diễn ra mới đây tại Bangkok (Thái Lan), lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã công bố tài liệu “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ASEAN cuối cùng cũng đã có được quan điểm chung của khối về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
ASEAN và vai trò trung tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong những năm gần đây, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đều đã đưa ra các đề xuất và chiến lược của riêng mình đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
ASEAN là người sau cùng đưa ra góc nhìn đối với khái niệm này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đặt khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở rộng và tự do” (FOIP) vào vị trí trung tâm trong chính sách đối với khu vực châu Á của Tokyo.
Chính sách này tập trung vào việc thúc đẩy và thiết lập trật tự pháp luật, tự do hàng hải và tự do kinh tế thị trường, theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế và đảm bảo hòa bình, ổn định.
Bên cạnh đó, tại Đối thoại Shangri-La năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra 6 nguyên tắc chủ chốt đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Còn trong Sách trắng Ngoại giao công bố năm 2017, Australia đưa ra 74 điểm đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sự hăng hái và nhiệt tình của bốn nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới vẫn chưa đi cùng với những cam kết về nguồn lực trong việc thực thi chiến lược đối với khu vực này.
Việc ASEAN từng trì hoãn đưa ra quan điểm của mình đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là hoàn toàn có thể hiểu được.
Không có khái niệm nào trong những chiến lược mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đưa ra giải quyết được toàn diện “yếu tố Trung Quốc”- mối quan hệ mà từng thành viên ASEAN nói riêng và toàn khối ASEAN nói chung chia sẻ với Trung Quốc. Việc chào đón bất kỳ chiến lược nào trong số bốn khái niệm trên đều có nghĩa là ASEAN sẽ có nguy cơ bị cho là “đang chọn bên.”
Điều này là bởi bốn khái niệm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nêu trên đã mô tả một quan điểm thay thế, một trật tự khu vực đang nổi lên vốn không xoay quanh Trung Quốc, tức là có ý ngăn chặn sự gia tăng bá quyền của Trung Quốc.
Những người ủng hộ các khái niệm đã nhanh chóng khẳng định rằng họ không cố gắng kiềm chế, kiềm tỏa sức mạnh chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng việc khẳng định các khái niệm của họ là một sáng kiến toàn diện và “thân thiện Trung Quốc” là không phù hợp với những đòi hỏi chiến lược về kiểm soát sức ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.
Để không bị đặt vào tình thế bị cho là “chọn bên,” ASEAN đã tìm được con đường ngoài bốn khái niệm này bằng cách đưa ra quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình, một nỗ lực có được từ sự dẫn dắt của Indonesia.
Quan điểm này là một giải pháp có tính ngoại giao, trong đó không có hỗ trợ và cũng không phản đối những khái niệm và chiến lược đã có của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, để có được sự nhất trí của các nước thành viên ASEAN đối với một quan điểm chung như vậy không phải là điều dễ dàng.
Theo giới quan sát, Singapore là quốc gia nhiều khả năng là “người phá đám” nhất trong quá trình tìm kiếm sự thông qua một thỏa thuận đối với dự thảo quan điểm trên của ASEAN.
Trên thực tế, Singapore tìm cách viết lại, chỉnh sửa một số câu chữ trong bản dự thảo và trong những nguyên tắc cốt lõi ban đầu của ASEAN như việc tự do hàng hải và hàng không. Tuy vậy, trên thực tế cũng cần phải nói rõ rằng 3 thành viên khác của ASEAN (Campuchia, Malaysia và Philippines) cũng muốn được thực hiện quyền tương tự như Singapore trong việc đưa ra những điều chỉnh trong văn bản dự thảo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Gợi ý của Singapore đối với việc tổ chức cuộc họp dự thảo của các quan chức cấp cao trước khi diễn ra Thượng đỉnh ASEAN là một động thái hợp lý theo những điều chỉnh được 4 nước này đề xuất.
Do vậy, cần phải nhìn nhận rằng Singapore không phải là một thành viên thiếu hỗ trợ hoặc không có tính xây dựng, hoặc một mình một quan điểm giống như “kẻ phá đám.”
Các báo cáo về những điều được cho là xung đột, khác biệt trong sự đồng thuận xung quanh dự thảo của ASEAN có thể được diễn giải là đề cập đến những vấn đề nên được thảo luận trong nội bộ ASEAN.
[Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Tuy nhiên, trên thực tế điều này cũng đã giúp củng cố được ASEAN thông qua việc mang lại sự minh bạch lớn hơn cho tiến trình phát triển và từng bước dỡ bỏ sự bí ẩn ở những cấp độ cao nhất của ngoại giao ASEAN.
Ngoài ra, câu chuyện thực sự ở đây là 10 nước thành viên ASEAN cuối cùng cũng đi tới đoàn kết, thống nhất với nhau. Quan trọng hơn, tài liệu này đã thiết lập một vị thế ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là một tài liệu có tính “phòng thủ,” đảm bảo ASEAN có được một bộ khung của riêng mình, độc lập với các chính sách chiến lược của các cường quốc. Điều này cho thấy ASEAN tiếp tục sẽ đóng vai trò là trung tâm trong việc định hình, hướng lái trật tự khu vực.
Tài liệu cũng đưa ra quan điểm rõ ràng của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không nhằm mục tiêu tạo ra những cơ chế mới hoặc thay thế các cái mới.
Quan trọng hơn, nó là một quan điểm nhằm đạt mục đích thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, hỗ trợ và ủng hộ tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.
Tuy nhiên, trọng trách đặt lên vai khối ASEAN là việc làm thế nào để nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực và sự linh động quyền lực của các nước lớn hơn sẽ được chuyển thành thành các sáng kiến có tính thực tế và khả thi.
ASEAN cần suy tính lại các kế hoạch nhằm duy trì và củng cố vai trò trung tâm của mình.
Điều này đòi hỏi các thành viên phải chủ động và tích cực trong việc tạo ra đồng thời kiểm soát một trật tự mới, hơn là lưu luyến, gắn chặt với mối bận tâm duy nhất của họ là “hợp tác khu vực.”
Tuy vậy, vẫn có những nghi ngại nếu các thành viên có các mong muốn chính trị và động lực để vượt ra ngoài khuôn khổ “gia đình an toàn” của các tiến trình do ASEAN dẫn dắt vốn luôn xoay quanh hợp tác có tính chức năng.
Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đồng thời xoay quanh việc xác định phạm vi và thông số địa lý của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điều này chứng tỏ cần phải tiếp tục bàn thảo thêm nữa khi mà các thách thức ngày càng lớn hơn khi hợp tác với các đối tác tiềm năng mà không biết rõ họ là ai.
Ngay cả khi phạm vi địa lý của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không mở rộng xa như các đường biên giới được vạch ra trong quan điểm của Nhật Bản, ASEAN cũng sẽ cần phải cân bằng, định hướng lại ống kính chiến lược của mình và thu nạp, mở rộng tới các quốc gia tiểu lục địa Nam Á. Và các nước thành viên cần chuẩn bị cho giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều phức tạp này.
Tóm lại, giá trị quan điểm chung của ASEAN đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính là nằm trong việc nhắc nhở tất cả các bên rằng ASEAN sẽ duy trì là một yếu tố không thể bỏ qua trong bức tranh địa kinh tế và địa chiến lược của khu vực.
Những khác biệt và thách thức sẽ càng mở rộng nếu một cấu trúc khu vực mới dành cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có sự ủng hộ và tham gia của ASEAN.
Những thách thức và hạn chế trong tiến trình hội nhập
ASEAN xác định mình là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Tuy vậy, trong tiến trình hội nhập, ASEAN đố mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức rất lớn là chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế trong khối, chẳng hạn như sự chênh lệch lớn giữa Singapore với Lào và Myanmar.
Chênh lệch về trình độ phát triển càng lớn thì thách thức để ASEAN duy trì được sự đoàn kết cũng sẽ lớn hơn. ASEAN đang chứng kiến một khoảng cách rộng về mức độ kinh tế và trình độ phát triển của mỗi thành viên.
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được tạo ra với mục tiêu cụ thể là thu hẹp khoảng cách phát triển bên trong ASEAN. Song, khoảng cách này vẫn còn rất rộng. Campuchia, Lào và Myanmar, ở một mức độ thấp hơn, tiếp tục tụt hậu so với các nước thành viên ASEAN khác.
Mặc dù các nỗ lực IAI giúp ích ít nhiều, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để đưa các nước này tiến lên trên bậc thang phát triển, trong đó bao gồm cả những nỗ lực nội tại của những nước thành viên kém phát triển hơn nhằm thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn vào nền kinh tế của họ.
Các kế hoạch và thỏa thuận của ASEAN nhằm hiện thực hóa một thị trường và cơ sở sản xuất chung phải được tiến hành ở cấp quốc gia, đây là trách nhiệm của mỗi nước thành viên.
Mỗi nước có những hạn chế, thách thức và áp lực khác nhau ở trong nước, khiến cho việc thực hiện các thỏa thuận ASEAN ở cấp quốc gia chưa phải là ưu tiên.
Ngay cả nếu các nước thành viên muốn theo đuổi việc thực hiện các thỏa thuận trên, vẫn có những thiếu sót về năng lực, rào cản về pháp lý trong nước, hạn chế về nguồn lực và những khó khăn về chính trị trong nước mà một số nước thành viên có thể phải đối mặt.
Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có đạt được đột phá hay không sẽ không được quyết định bởi Hội nghị cấp cao ASEAN, việc đàm phán cần có trình tự của nó.
Tất nhiên, nếu các cuộc đàm phán có thể đạt được thỏa hiệp trước hội nghị cấp cao (chẳng hạn như trước hội nghị ASEAN vào nửa cuối năm nay), sau đó được công bố tại hội nghị, điều này chắc chắn sẽ có hiệu quả tăng cường đối với RCEP.
Nhưng RCEP có thể đạt tới bước đó hay không, điều này phụ thuộc vào quá trình đàm phán, chứ không chịu ảnh hưởng của hội nghị cấp cao ASEAN.
Bất đồng lớn nhất hiện nay không phải là giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc và ASEAN đã có quan điểm của họ, bao gồm các tiêu chuẩn về khu vực thương mại tự do, cụ thể thúc đẩy như thế nào.
Điểm bất đồng lớn nhất hiện nay là quan điểm của các quốc gia ngoài ASEAN có tham gia đàm phán RCEP. Vấn đề lớn nhất nằm ở Ấn Độ.
Dường như có một khoảng cách lớn giữa Ấn Độ và các nước khác trong vấn đề này, và bây giờ RCEP lại muốn kết nạp Ấn Độ, vì vậy về cơ bản vấn đề đang bị mắc kẹt ở phía Ấn Độ.
Sự gắn kết về kinh tế của ASEAN vẫn đang được củng cố, nhưng hiệp hội phải có quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn.
Có những thách thức mới cần phải giải quyết như các xu hướng hiện nay phản đối các thỏa thuận thương mại đa phương, thái độ chống lại toàn cầu hóa và các xu hướng bảo hộ đang gia tăng.
Những thách thức này sẽ trở nên phức tạp hơn nữa do sự không chắc chắn phát sinh từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng.
Mặc dù mỗi nước thành viên sẽ phải tự điều chỉnh và thay đổi chính sách để điều hướng và giảm thiểu tác động của các xu hướng toàn cầu này, thì ASEAN - với tư cách là một khối - cần phải tiếp tục lên tiếng chống lại những xu hướng trên và mạnh mẽ ủng hộ việc bảo toàn một hệ thống thương mại đa phương tự do, do các quy tắc và chuẩn mực quốc tế chi phối./.