Vai trò quan trọng của Việt Nam trong giữ gìn an ninh hàng hải khu vực

Giới chuyên gia, học giả Đức đánh giá cao những đề xuất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của HĐBA LHQ nhằm ứng phó các thách thức an ninh biển.
Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trực tuyến tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trực tuyến tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giới chuyên gia, học giả Đức đã có những đánh giá tích cực đối với những đề xuất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.

Đánh giá về bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đức, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên là chuyên gia về Biển Đông của Viện Khoa học và chính trị Đức, cho rằng bài phát biểu một lần nữa khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và giải quyết hòa bình các xung đột trên biển, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể trong vấn đề này.

Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải trong khu vực.

Theo Tiến sỹ Gerhard Will, an ninh hàng hải là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam vì Việt Nam có vùng biển rộng, đường bờ biển dài, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất - nhập khẩu và liên kết chặt chẽ với kinh tế thế giới.

Không chỉ quan trọng với Việt Nam, vấn đề này cũng rất quan trọng với thế giới, điều này thể hiện rõ qua việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một phiên họp chính thức riêng về chủ đề này.

Nhận định về các đề xuất của Việt Nam, Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng các đề xuất này rất phù hợp và thực tế, thể hiện tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chung.

Tiến sỹ Gerhard Will chia sẻ: "Việt Nam hiểu rõ an ninh biển là vấn đề chung, không thể chỉ giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ nào, mà cần có sự hợp tác và đồng thuận trong khu vực cũng như quốc tế, từ nhận thức đến hành động. Luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển quốc tế, là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, nền tảng cho việc giải quyết các xung đột và duy trì an ninh, ổn định các vùng biển. Các quốc gia cần tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện tốt nghĩa vụ của mình theo quy định của luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế."

Tiến sỹ Gerhard Will cũng đánh giá cao đề nghị của Việt Nam về việc thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.

Ông cho rằng những cơ chế, sáng kiến trong khu vực cũng như các thỏa thuận song phương, đa phương, nếu có sự điều phối của Liên hợp quốc để tăng cường phối hợp hành động trên phạm vi rộng lớn hơn, có thể mang lại những kết quả rất tốt.

[Sáng kiến tăng cường an ninh biển của Việt Nam được đánh giá cao]

Cùng nhận định trên, Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Viện Á-Phi, Đại học Hamburg của Đức, đánh giá Việt Nam - một trong những chủ thể liên quan chính trong tranh chấp ở Biển Đông, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình vấn đề này.

Đây cũng chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam. Từ trước đến nay, mọi sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đều theo hướng tìm kiếm một giải pháp hòa bình hoặc giải quyết một cách hòa bình tranh chấp.

Giáo sư Engelbert cũng đánh giá rất tích cực đề xuất của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo ông, những đề xuất này đều nhằm thúc đẩy an ninh, bảo đảm sự ổn định trên biển và tự do hàng hải trong khu vực.

Giáo sư Đức đánh giá điều quan trọng, tích cực và hoàn toàn tin vậy là việc Việt Nam cùng đưa ra đề xuất này với những nước khác, những nước rất quan tâm tới an ninh hàng hải như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ.

Giáo sư Engelbert khuyến nghị rằng để đảm bảo và duy trì an ninh hàng hải, các nước liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - văn kiện vốn định sẵn những cơ chế như an ninh và an toàn hàng hải, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột.

Theo ông, tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước đã ký UNCLOS 1982, cần phải tuân thủ các quy định này cũng như điều chỉnh các hành động của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục