Vai trò môi giới trong quản lý, phát triển thị trường bất động sản

Con số hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới cho thấy đóng góp to lớn của đội ngũ này với thị trường bất động sản.
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 27/6, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" nằm trong khuôn khổ sự kiện chuyên biệt "Ngày hội Môi giới bất động sản Việt Nam 2020."

Sự kiện này do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) tổ chức thu hút sự tham gia của cơ quan chức năng, chính quyền nhiều địa phương cùng hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, cộng đồng các nhà môi giới bất động sản trên cả nước...

Môi giới bất động sản không còn là nghề xa lạ với nhiều người. Con số hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới cho thấy đóng góp to lớn của đội ngũ này với thị trường bất động sản.

Giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ vài năm trước đã kéo theo một lượng nhân sự lớn tham gia vào lĩnh vực môi giới địa ốc cả chuyên và không chuyên. Nhóm doanh nghiệp bất động sản cỡ vừa và nhỏ luôn chiếm top 3 những ngành có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất và hầu hết trong số này đều là các sàn môi giới.

Chính đội ngũ các nhà môi giới này đã tạo ra sự sôi động của thị trường bất động sản, là cầu nối giữa khách hàng, nhà đầu tư với chủ đầu tư, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thị trường địa ốc.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển cả về quy mô và số lượng; trong đó có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Pháp lý bất động sản ngày càng chặt chẽ đảm bảo quản lý bất động sản hiệu quả.

Đối với bất động sản nhà ở, nhiều khu đô thị mới đã được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân… Về bất động sản nghỉ dưỡng nhiều condotel, shophouse, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các chủ thể tham gia bất động sản từ doanh nghiệp bất động sản đến tư vấn thiết kế và các sàn môi giới bất động sản ngày càng lớn mạnh về số lượng, năng lực tài chính, trình độ chuyên môn.

[Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,6m2 sàn mỗi người]

Hiện đang có khoảng 15.000 doanh nghiệp bất động sản, 1.200 sàn giao dịch bất động sản và hơn 400.000 nhân viên môi giới bất động sản, chiếm lĩnh phần lớn thị trường bất động sản, ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, cuối năm 2019, xu hướng thị trường bất động sản chững lại đặc biệt, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhiều sàn bất động sản đã phải dừng hoạt động.

Song với sự nỗ lực đổi hướng hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, thị trường bất động sản đã khởi động trở lại, nhiều dự án đã được nhà đầu tư và người dân quan tâm. Do đó, thời gian tới, nhân viên môi giới phải thay đổi phương thức tiếp thị và bán hàng sao cho hiệu quả và thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định môi giới bất động sản là ngành nghề đóng vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản. Hoạt động ngành nghề bất động sản đã được quy định chặt chẽ trong Luật Kinh doanh bất động sản.

Thời gian qua, hoạt động môi giới bất động sản đã lớn mạnh về cả số lượng và đã đạt được kết quả tích cực. Về thể chế pháp luật, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan là cơ sở pháp luật quan trọng để hoạt động môi giới bất động sản ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, phương thức hoạt động...

Hiện xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức môi giới bất động sản hoạt động chuyên nghiệp như công ty cổ phẩn, trung tâm, công ty môi giới ra đời hoạt động đúng pháp luật đã góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam công khai, minh bạch.

Các quy định về kinh doanh bất động sản đối với thị trường bất động sản nói chung và hoạt động môi giới nói riêng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao dịch bất động sản, ông Ninh phân tích.

Cùng đó, khung pháp lý về hoạt động của hội môi giới bất động sản đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước quản lý các hoạt động môi giới chặt chẽ hơn…

Vai trò môi giới trong quản lý, phát triển thị trường bất động sản ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ, trong khi nhiều hành vi vi phạm luật pháp đã diễn ra tại một số dự án.

Một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý.

Một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch... Do đó, muốn thị trường bất động sản phát triển bền vững thì đội ngũ môi giới cần được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn.

Hiện nay, pháp luật quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự mong muốn học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nhận xét đây là ngành nghề gần như không có rào cản gia nhập và rút lui. Mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia. Thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

"Việc phát triển quá nhanh sẽ khiến cho việc cạnh tranh khá gay gắt, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng bị chủ đầu tư chèn ép hoặc các sàn tự “cắt máu” diễn ra khá phổ biến, dẫn tới chất lượng dịch vụ suy giảm, lừa đảo phát sinh, gây nên nhiều tiếng xấu trong xã hội," ông Lập cảnh báo.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, Nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia sâu hơn vào giao dịch bất động sản hoặc ràng buộc bằng cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục