Vai trò kiều bào trong kết nối, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh

Các doanh nghiệp kiều bào đã chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của những doanh nghiệp đã đăng ký truy xuất hàng hóa khi tham gia thị trường quốc tế.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 6/7, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình hoạt động đầu tiên của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Điểm hẹn Kiều bào” với chủ đề “Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND.”

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố, đây là hoạt động đầu tiên sau 1 tháng ra đời của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Điểm hẹn Kiều bào” của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình này nhằm phát huy vai trò của cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong việc đưa hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tham gia thị trường quốc tế.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe bà Võ Đình Liên Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo một số kết quả triển khai Kế hoạch triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 của Ủy ban Nhân dân Thành phố.”

Bà Võ Đình Liên Ngọc (đứng), Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ kết quả thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Thành phố. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5/7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.

Trong số đó có 47 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn Thành phố tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm và 14 cơ sở thuộc chuỗi sản phẩm rau quả tươi, thủy sản có tham gia có sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Chia sẻ những khó khăn, giải pháp triển khai áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thời gian tới, bà Võ Đình Liên Ngọc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp kiều bào chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành chính sách và triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tế; đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp kiều bào có nhu cầu tham gia áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp kiều bào đã chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của những doanh nghiệp đã đăng ký truy xuất hàng hóa khi tham gia thị trường quốc tế; cũng như các ý kiến giải pháp nhằm nâng cao vai trò đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài trong việc thúc đẩy đưa hàng hóa nói chung, sản phẩm nông sản nói riêng đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tham gia thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Australia, người sáng lập thương hiệu cà Meet More Coffee, từ kinh nghiệm đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới thì vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một yêu cầu đầu tiên, quan trọng để hàng hóa có thể thâm nhập vào thị trường các nước, nhất là các nước có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, một trong những vấn đề cần quan tâm đó là truyền thông rộng rãi để thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong nước, hướng tới “người tiêu dùng thông thái,” để người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, lựa chọn những sản phẩm có đăng ký nguồn gốc hàng hóa dù giá cả có thể cao hơn nhưng là những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo hơn. Từ đó, sẽ thay đổi tư duy, cách thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất khi tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Ông Danny Võ Thành Đăng, người Việt Nam ở Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài điều phối phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tiến sỹ Lê Hoàng Thế, người Việt ở Nhật, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ sinh thái The VOS, cho biết từ thực tế đưa mặt hàng nấm linh chi vào mạng lưới tiêu thụ Amazon (Hoa Kỳ), cho rằng tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc là hai vấn đề khác nhau.

Các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa phải hiểu rõ tiêu chuẩn hàng hóa là những yêu cầu tiêu chuẩn để hàng hóa phù hợp, đáp ứng với thị trường còn truy xuất nguồn gốc là “căn cước” hàng hóa phải được đăng ký để người tiêu dùng có thể kiểm tra.

Từ đó các doanh nghiệp sẽ có những giải pháp cụ thể khi trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, đăng ký truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi vào các thị trường trong nước và quốc tế.

Qua trao đổi, các đại biểu nhất trí cho rằng việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, xác thực các thông tin để truy xuất nguồn gốc góp phần đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm cho hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, các doanh nghiệp kiều bào sẵn sàng đồng hành cùng Thành phố trong triển khai công tác áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, để từ đó góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phục vụ cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố cũng như hội nhập quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục