Thực hiện chương trình nghiên cứu, trao đổi, hợp tác khoa học thường niên giữa các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Lào, sáng 27/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam và Lào."
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu qua phần mềm Microsoft Teams.
Chủ trì hội thảo tại các điểm cầu gồm các giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sỹ Khămphăn Phởinhạvông, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; tiến sỹ Xỏnthạnu Thămmạvông, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội quốc gia Lào; Phó giáo sư Phuvông Unkhămxẻn, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sỹ Khămphăn Phởinhạvông, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho biết sau Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng và Chính phủ Lào đã tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới nhằm đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Lào có những bước phát triển đáng kể; chất lượng đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đảng và Chính phủ Lào đang tập trung phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo nhằm tạo chuyển biến cụ thể; trong đó Đảng, Chính phủ chú trọng vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, phát triển nguồn nhân lực. Đây là mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, là một nhân tố quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước Lào.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sỹ Khămphăn Phởinhạvông, lĩnh vực phát triển văn hóa, con người của Lào hiện còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của đất nước và một số nước láng giềng.
Tiến sỹ Khămphăn Phởinhạvông bày tỏ hy vọng từ kinh nghiệm và thực tiễn của 4 cơ quan và mỗi nước, hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, xây dựng nhận thức về lý luận, thực tiễn của thời đại, phù hợp với tình hình phát triển mỗi nước về lĩnh vực văn hóa, con người.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh văn hóa, con người là yếu tố cực kỳ quan trọng, được kết tinh và luôn tỏa sáng trong mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Để hội thảo lần này mang ý nghĩa thiết thực vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng gợi ý một số nội dung xoay quanh chủ đề hội thảo.
Về giá trị văn hóa và sức mạnh con người trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của hai dân tộc trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, hệ giá trị văn hóa, giá trị con người của hai nước, hai dân tộc Lào-Việt đã không ngừng được phát triển, bổ sung và hoàn thiện; trở thành động lực tinh thần, có sức mạnh to lớn, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
"Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển con người, bởi con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa sản phẩm của văn hóa. Phát huy giá trị văn hóa cũng chính là làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu, lan tỏa vào đời sống nhân dân," giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá thực tiễn phát triển của hai nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển quốc gia, đó vừa là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, vừa là giá trị của sự phát triển, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng văn hóa trong xã hội hiện đại có những lợi thế so sánh mới, vừa có sức lan tỏa nhanh, rộng rãi nhờ vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, sự mở rộng của thị trường các sản phẩm dịch vụ văn hóa, vừa mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
Về tiềm năng, lợi thế, sức mạnh văn hóa và con người của hai nước trong quá trình phát triển, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng Việt Nam và Lào đều có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc anh em với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.
Hệ giá trị văn hóa con người của hai dân tộc có nhiều phẩm chất độc đáo, đó là tinh thần nồng nàn yêu nước và nhân văn, phẩm chất anh hùng trong chiến đấu nhưng giàu lòng nhân nghĩa và đại lượng trong ứng xử; đó là sự cần cù, sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng gắn liền với lòng khoan dung, cởi mở.
Con người Lào-Việt có nhân cách, lối sống tốt đẹp với những đặc tính cơ bản của lòng yêu nước, cần cù, đoàn kết, sáng tạo, lạc quan, yêu thương con người và nghĩa tình. Phát huy văn hóa, con người được cả hai nước xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
[Việt Nam-Lào trao đổi thực tiễn mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng]
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết yêu cầu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: văn hóa còn, dân tộc còn. Mất văn hóa là mất tất cả."
Bày tỏ mong muốn đại biểu hai nước cùng nhau đề xuất giải pháp để phát huy giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định đứng trước yêu cầu xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, vấn đề phát triển con người, nguồn nhân lực cần phải được quan tâm một cách đầy đủ với hệ thống các giải pháp phù hợp, trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa và phát triển con người.
"Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng, tương xứng hài hòa với phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có nội dung phát triển văn hóa, con người, xây dựng chương trình, kế hoạch, tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện nội dung này," giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Trong đẩy mạnh hợp tác phát huy vai trò văn hóa, con người, nguồn nhân lực đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của mỗi nước, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tập trung đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập quốc tế.
Hợp tác phát triển con người toàn diện, trong đó chú trọng bồi dưỡng ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hợp tác đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ, trong đó có cả sự chia sẻ kinh nghiệm trong thích ứng an toàn linh hoạt, hiệu quả, từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19.
Hội thảo được tổ chức với phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. Các nhà khoa học đã khẳng định và làm rõ vai trò của văn hóa, con người đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam và Lào trong những thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và con người. Vai trò của văn hóa trong xây dựng nhân cách, đạo đức con người, nhất là với thế hệ trẻ. Vai trò của văn hóa trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những con người mới đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đại biểu cũng phân tích vai trò của văn hóa, con người trong quá trình phát triển bền vững quốc gia, đặc biệt là vai trò của văn hóa, con người trong kiến tạo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong lành với những giá trị nhân văn, tiến bộ; vai trò của văn hóa, con người trong quản trị quốc gia, quản lý xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay./.