Vai trò của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên cho thấy Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng đặc biệt đối với tình hình bán đảo, và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/6. (Ảnh: AFP)

Theo trang mạng 38north.org, những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên chủ yếu là tốc độ cải thiện quan hệ nhanh chóng giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như nỗ lực hòa giải quan hệ liên Triều.

Những cải thiện này cho thấy Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng đặc biệt đối với tình hình bán đảo, và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Trung Quốc có thực sự bị cô lập?

Hàng loạt diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên là kết quả của các cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Điều đáng chú ý là Hàn Quốc gần đây trở thành nhân vật đóng vai trò trung tâm hơn hẳn Trung Quốc, quốc gia vốn có sự chi phối rất lớn đối với các vấn đề Triều Tiên.

Sự chủ động về mặt ngoại giao của Kim Jong-un từ đầu năm 2018 và cam kết của Chính quyền Moon Jae-in đối với tiến trình hòa giải Hàn-Triều đã đưa Seoul vào vị trí người thúc đẩy và dàn xếp mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc.

Sự hình thành của lộ trình ngoại giao Hàn-Triều dường như đã làm lu mờ ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc, khiến nhiều người ở Bắc Kinh lo ngại rằng ảnh hưởng của họ đối với bán đảo này ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, những lo lắng đó chẳng tồn tại lâu.

Trước cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Kim Jong-un đã có một bước đi thông minh là tới Bắc Kinh vào ngày 28/3.

Cuộc gặp đã giúp trấn an đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, đảm bảo ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên và giúp hai bên hàn gắn quan hệ.

Ngày 7/5, Kim Jong-un có cuộc gặp thứ hai với Tập Cận Bình trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trung Quốc không tham dự cuộc gặp tại Singapore hồi tháng Sáu, song ảnh hưởng của họ là điều không ai có thể phủ nhận.

[Trung Quốc tuyên bố thúc đẩy quan hệ song phương với Triều Tiên]

Kim Jong-un tới đảo quốc sư tử, chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi lên nắm quyền, trên chiếc Boeing 747-400 của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc, chuyên cơ được cho là của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hơn thế nữa, cam kết của Mỹ về việc tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc cũng như cam kết dừng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng là một sự phản ánh của đề xuất “cùng đình chỉ” mà Trung Quốc đưa ra.

Một tuần sau hội nghị ở Singapore, Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình lần thứ 3 trong vòng 3 tháng. Và 3 chuyến thăm này càng củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng họ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ những tiến triển trên bán đảo Triều Tiên và giúp Bắc Kinh tự tin hơn với mối quan hệ cùng Bình Nhưỡng.

Xung đột lợi ích hay đôi bên cùng có lợi?

Chính sách Triều Tiên của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ các lợi ích kinh tế và an ninh.

Trên phương diện kinh tế, cán cân thương mại Trung-Triều nghiêng về phía Triều Tiên hơn song một thị trường khu vực mở và ổn định vẫn có lợi cho Trung Quốc, nhất là các tỉnh ở phía Đông Bắc.

Xe chở hàng hóa đi qua cây cầu nối hữu nghị nối Trung Quốc - Triều Tiên ngày 23/10/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc được phép sử dụng cảng Rajin tại Rason giúp tàu bè Trung Quốc rút ngắn quãng đường tới Nhật Bản, hay các thành phố phía Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Hàng hóa vận chuyển qua cảng biển này chủ yếu là gỗ xẻ, than đá và các nguyên liệu xây dựng thô khác nằm trong danh sách chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Việc khu vực phía Bắc Trung Quốc nhập khẩu các nguồn năng lượng và khoáng sản giá rẻ từ Triều Tiên cũng chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này.

Vì vậy, rõ ràng việc Liên hợp quốc nới lỏng dù chỉ một phần các đòn trừng phạt cũng sẽ đem lại những lợi ích kinh doanh ngắn hạn cho vùng Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong bối cảnh thị trường Triều Tiên đang chậm rãi tiến tới bình thường hóa, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng các nguồn tài nguyên và nhân lực giá rẻ ở Triều Tiên.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc, chiếm tới 90% tổng khối lượng thương mại nước ngoài của Triều Tiên và sự thao túng của quốc gia này đối với thị trường láng giềng đang có dấu hiệu sụt giảm song đó không phải là một bất lợi đối với Trung Quốc, bởi việc đa dạng hóa nguồn đầu tư cũng sẽ giúp phân tán các rủi ro mà doanh nghiệp nước này thường xuyên đối mặt.

Xét cho cùng, Trung Quốc vẫn sẽ là đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên và những hỗ trợ kinh tế mà họ dành cho nước láng giềng sẽ giúp củng cố và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Lo ngại hàng đầu về an ninh của Trung Quốc là sự ổn định khu vực, kể cả đảm bảo an ninh biên giới và duy trì cán cân chiến lược tại Đông Bắc Á. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chừng nào họ vẫn duy trì hai mục tiêu này.

Hơn thế nữa, Triều Tiên là trung tâm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Có vẻ như Bình Nhưỡng rất biết tận dụng thực tế này, vừa tìm cách khôi phục quan hệ chính trị và kinh tế song phương Trung-Triều vừa có những bước đi sơ bộ nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa theo yêu cầu của Mỹ.

[Trung Quốc đầu tư hơn 88 triệu USD vào hạ tầng cơ sở tại Triều Tiên]

Trong dài hạn, chưa rõ Triều Tiên sẽ lựa chọn ngả về Mỹ hay Trung Quốc, thực thi chiến lược ngoại giao nước nhỏ truyền thống hay trở thành nhân tố kích động mâu thuẫn.

Có lẽ cách Trung Quốc định hình vai trò của họ sẽ trở thành một trong những nhân tố chính tác động tới quyết định của Triều Tiên.

Nhà bảo trợ an ninh?

Triều Tiên không có nhiều lựa chọn về an ninh. Triển vọng sớm hoàn tất một hiệp ước hòa bình với Mỹ trong ngắn hạn chưa rõ ràng.

Washington có thể đã có kế hoạch tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên với những điều kiện cụ thể, song việc có các bước đi tiếp theo đó - chẳng hạn như đàm phán về một hiệp ước hòa bình bền vững - là điều phức tạp hơn rất nhiều bởi nó liên quan tới hàng loạt vấn đề như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Bắc Á hay kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Cùng lúc đó, Triều Tiên vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để đảm bảo và nâng cao vị thế trong đàm phán, và với những điều kiện nhất định, Trung Quốc sẽ miễn cưỡng chấp nhận một thỏa thuận như kể trên miễn là các lợi ích của họ được đảm bảo.

Du khách tham quan cây cầu Hữu Nghị nối giữa thành phố Dandong của Trung Quốc và thị trấn Sinuiju của Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không có gì phải bàn cãi về việc Trung Quốc muốn đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình nền hòa bình và cơ chế an ninh trong tương lai cho bán đảo Triều Tiên.

Để tối đa hóa ảnh hưởng của mình, Bắc Kinh có thể cân nhắc mở rộng những bảo đảm an ninh chính thức cho Triều Tiên.

Điều này không nhất thiết giống với “chiếc ô hạt nhân” mà Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc và Nhật Bản, mà sẽ là những cam kết mang tính ràng buộc của Trung Quốc đối với việc bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp nước láng giềng bị tấn công, chừng nào Triều Tiên có những bước đi cụ thể và vững chắc hướng tới phi hạt nhân hóa.

Đó có thể là một quyết định khó khăn đối với Bắc Kinh song là điều cần thiết để giải quyết vấn đề đã tồn đọng hàng thập kỷ này.

Triều Tiên có hứng thú với sự đảm bảo an ninh từ Trung Quốc hay không vẫn là điều chưa ai dám chắc.

Tuy nhiên, rõ ràng Bình Nhưỡng sẽ cần một hoặc nhiều hơn những nhà môi giới để họ có thể giải quyết được các nhu cầu của mình và đảm bảo các lợi ích mong muốn trên con đường tiến tới phi hạt nhân hóa để có thể đảm bảo Mỹ sẽ giữ vững những cam kết mà chính quyền đương nhiệm đã đưa ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục