Vai trò của phiên dịch viên trong các cuộc hội đàm kín của ông Trump?

Người phiên dịch, cho dù họ làm việc trong các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cấp cao hay trong các phiên tòa bình thường, đều không được phép tiết lộ bất kỳ điều gì họ nghe được.
Vai trò của phiên dịch viên trong các cuộc hội đàm kín của ông Trump? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

AFP đưa tin những cáo buộc rùm beng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump giấu giếm cuộc hội thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây ra một vụ ồn ào không đáng có trong giới phiên dịch viên, những người đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ngoại giao và luôn thận trọng giữ mình trong "bóng tối."

Người phiên dịch, cho dù họ làm việc trong các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cấp cao hay trong các phiên tòa bình thường, đều phải tuân thủ theo các quy tắc đạo đức nhất định, trong đó không được phép tiết lộ bất kỳ điều gì họ nghe được.

Tổng thống Trump đã làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ của ông với Nga khi ông không cho phép các cố vấn cấp cao tham dự cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ với Thủ tướng Vladimir Putin trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này hồi tháng Bảy năm ngoái - một động thái bị cho là phá vỡ các quy tắc ngoại giao thông thường.

[Video] Ông Donald Trump chiêu đãi khách bằng pizza, khoai tây chiên

Chỉ có một người Mỹ duy nhất được ở lại phòng họp tại Helsinki là Marina Gross, một phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm ngoái, những người Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện đã không thành công khi tìm cách buộc bà Gross phải điều trần về nội dung cuộc hội đàm này, nói rằng những hành động "bất thường" của ông Trump sẽ cần tới những biện pháp "bất thường" để đối phó.

Những lo ngại này lại một lần nữa trỗi dậy khi Washington Post đưa tin rằng ông Trump đã tịch thu những ghi chép của bà Gross sau một cuộc gặp bất ngờ với ông Putin vào năm 2017 bên lề hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Hamburg, và yêu cầu bà Gross không được thảo luận về cuộc hội thoại giữa ông và ông Putin với các quan chức chính quyền khác.

Ông Uros Peterc, chủ tịch Hiệp hội quốc tế các phiên dịch viên hội nghị có trụ sở ở Geneva, nói: "Việc chúng ta (những người phiên dịch) trở thành tâm điểm chú ý nhiều như bây giờ là điều thực sự chưa từng có tiền lệ."

Ông Peterc nói rằng không được phép tiết các cuộc hội thoại là nguyên tắc tối thượng của các phiên dịch viên.

Ông Peterc, người từng tham gia đội phiên dịch cho tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2001 trong hội nghị thượng đỉnh với ông Putin diễn ra ở Slovenia, nói: "Rõ ràng là từ lâu nay phiên dịch viên là người nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của người được phiên dịch."

Các cuộc gặp kín hiếm khi xảy ra

Ông Trump - người đang bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra về mối quan hệ với Nga trong cuộc vận động tranh cử cử tổng thống - đã phủ nhận việc ông giữ bí mật về cuộc gặp với ông Putin.

Ngày 14/1, trên nền tuyết trắng của Nhà Trắng, ông tuyên bố: "Tôi chưa bao giờ làm việc cho Nga."

Tuy nhiên, cho dù động cơ của ông Trump chỉ đơn thuần là tìm kiếm sự ủng hộ của ông Putin, song các tổng thống Mỹ gần như không bao giờ gặp một mình gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là các lãnh đạo bị xem là đối thủ của nước Mỹ.

Theo Michael Glennon, giáo sư về luật quốc tế tại trường The Fletcher thuộc Đại học Tufts, một quan chức - thông thường là nhân viên cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia, hoặc trong một số trường hợp là Bộ trưởng Ngoại giao hay Bộ trưởng Quốc phòng - sẽ là người ghi chép nội dung các cuộc hội đàm.

Glennon, một cựu luật sư từng làm việc cho Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, nói: "Giới tình báo thường quan tâm tới sự tinh vi trong cách sử dụng thuật ngữ và suy nghĩ của lãnh đạo nước bên kia."

Ông Glennon cho biết thêm rằng các nhà ngoại giao cũng theo dõi sát sao bất kể điều gì có tính gợi mở bởi "bản thân tổng thống khi nói hoặc nghe có thể sẽ bỏ lỡ nhiều điều."

Ông khẳng định: "Việc một tổng thống không cho phép các thành viên khác của chính quyền ghi chép lại những điều đã được nói là một điều rất bất thường."

Giải mã những ghi chép của các phiên dịch viên

Điều còn hiếm gặp hơn là phiên dịch viên được phép ghi chép lại nội dung cuộc hội đàm.

Laura Burian, hiệu trưởng Trường biên dịch, phiên dịch và giáo dục ngôn ngữ thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng những ghi chép của một phiên dịch viên sẽ không đầy đủ. Các phiên dịch viên chủ yếu dựa vào trí nhớ ngắn hạn, tìm cách ghi nhớ và dịch lại suy nghĩ của người nói chỉ trong vài giây hoặc vài phút.

Bà Burian nói rằng khi ghi chép, các phiên dịch viên chỉ có thể viết lại các con số hoặc những danh từ riêng cần sự chính xác.

Bà giải thích thêm: "Nhiều tháng hoặc thậm chí chỉ vài ngày sau đó, khi nhìn lại thì những ghi chép này không thể phản ánh mọi thứ đã được nói trong phòng họp."

Bà Burian cũng nói rằng mặc dù các phiên dịch viên của chính phủ như bà Gross được phép tiếp cận các thông tin an ninh mật - điều có thể bảo vệ họ, song các phiên dịch viên hiện đang phải lo ngại về những diễn biến trong thời gian qua.

Bà Burian nói: "Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi việc sử dụng phiên dịch viên trở nên thông lệ hơn, chúng ta cần thừa nhận rằng phiên dịch viên là người không bao giờ bị truy hỏi."

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu các phiên dịch viên phải điều trần.

Tháng trước, hiệp hội quốc tế các phiên dịch viên hội nghị đã lên tiếng cảnh báo sau khi nhà cầm quyền tại Ba Lan triệu tập một phiên dịch viên để tra hỏi về cuộc thảo luận của cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (hiện đang là Chủ tịch Hội đồng châu Âu) với ông Putin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục