Vai trò của người có uy tín, trưởng bản trong tuyên truyền bầu cử

Để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.
Bí thư chi bộ bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cùng với trưởng bản, người có uy tín trong bản tuyên truyền bầu cử đến với người dân. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần.

Để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.

Đặc biệt tỉnh chú trọng phát huy vai trò đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền bầu cử.

Cánh tay nối dài của Đảng

Những ngày tháng Năm, dọc tuyến đường trung tâm xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) và bản Tổng Pịt rợp sắc cờ đỏ sao vàng đón chờ Ngày hội toàn dân.

Bản Tổng Pịt nằm cheo leo trên những sườn núi của xã Mường Mô với 94 hộ dân sinh sống, trong đó có 73 hộ gia đình là người dân tộc Khơ Mú còn lại là dân tộc Mông. Địa hình chủ yếu là núi, dân cư phân bố thưa thớt, nhận thức của người dân còn hạn chế.

[Xây dựng phương án đề phòng mưa, lũ trong ngày bầu cử ở vùng cao]

Dưới thời tiết oi bức, nắng nóng của buổi trưa hè, tranh thủ lúc người dân ở nhà nghỉ ngơi, Bí thư Chi bộ bản Tổng Pịt, người có uy tín Lý Văn Hom vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy đi đến các hộ gia đình trong bản để tuyên truyền về Ngày Bầu cử.

Mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt, ướt đẫm cả áo, Bí thư Lý Văn Hom vẫn hăng say tuyên truyền tới người dân về Ngày Bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri tham gia bầu cử.

Bí thư Chi bộ bản Tổng Pịt Lý Văn Hom chia sẻ suốt 2 tháng nay, ông đã cố gắng để người dân trong bản hiểu và chọn những người có đức có tài làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với việc đi đến các hộ gia đình, ông thường xuyên tổ chức các buổi họp dân, họp bản để tuyên truyền người dân đi bầu cử.

Đều đặn 2 lần/ngày, ông mở loa phát thanh để dân bản nắm được và không quên Ngày Bầu cử.

Hiện nay, tại nhà sinh hoạt cộng đồng của bản, bảng thông tin về cuộc bầu cử và danh sách người ứng cử đã được niêm yết để người dân kịp thời nắm thông tin.

Đặc biệt, ngày 20/5 tới đây, ông sẽ đi đến nhà các hộ gia đình tuyên truyền người dân không đi làm nương ở xa, không được bỏ việc bầu cử, khi đi bầu cử phải đeo khẩu trang đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Đến nay, 100% người dân đều nắm được ngày bầu cử, ai cũng hào hứng đón chờ ngày hội non sông.

Em Lò Thị Hói, 21 tuổi, người dân tộc Khơ Mú ở bản Tổng Pịt hào hứng nói, đây là lần đầu tiên em được đi bầu cử, em rất hồi hộp và tự hào. Em mong muốn những người trúng cử khóa mới sẽ giúp người dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khơ Mú ngày càng phát triển.

Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, cho biết xác định bầu cử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân công cụ thể cho các thành viên trong Tiểu ban Tuyên truyền.

Đặc biệt, xã đã chủ động thành lập các Tổ tuyên truyền ở các bản, trong đó phát huy vai trò của bí thư, trưởng bản, người có uy tín, già làng để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử.

Giống như Bí thư Lý Văn Hom, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) Lý A Tro cũng đã tổ chức các cuộc họp bản, tận tình đến những hộ dân ở xa, không thể tham dự các cuộc họp để tuyên truyền, phổ biến về bầu cử.

Ông chú trọng tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ có 81 hộ gia đình sinh sống với 410 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Hồ Thầu Lý A Tro tâm sự khi được chính quyền địa phương triển khai công tác bầu cử, ông đã cùng với cán bộ biên phòng, già làng, người có uy tín kêu gọi nhân dân họp bản để thông tin đến người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho cử tri hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc hiểu Luật Bầu cử sẽ giúp cho bà con hiểu được nguyên tắc bầu cử, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công tác bầu cử. Qua đó, người dân sẽ chọn được những người có trách nhiệm, có uy tín để đưa bản mình phát triển hơn.

Đa dạng hình thức tuyên tuyền

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có địa bàn rộng, với 20 dân tộc sinh sống, trong đó gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, toàn tỉnh còn nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia và hạ tầng viễn thông, việc tiếp cận thông tin đại chúng của người dân còn hạn chế.

Do vậy, hình thức tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh khó tiếp cận được. Nếu muốn tuyên truyền tốt với các đối tượng này, các lực lượng chức năng chú trọng công tác tuyên truyền miệng và linh hoạt với nhiều hình thức phù hợp.

Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) Lý A Tro phối hợp cùng lực lượng biên phòng tuyên truyền bầu cử đến các hộ gia đình. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Lai Châu, cho biết tỉnh có 274.272 cử tri. Để tất cả các cử tri hiểu và nắm được về cuộc bầu cử, Lai Châu đã triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở bằng các thứ tiếng phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đặc biệt, đối với những bản chưa có điện, viễn thông, tỉnh chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín qua các buổi họp, sinh hoạt chi bộ…

Thông qua kênh tuyên truyền miệng này, những thông tin về bầu cử sẽ đến được với cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới một cách kịp thời, chính xác nhất, góp phần nâng cao ý thức của đồng bào các dân tộc tham gia bầu cử một cách đầy đủ, theo đúng quy định pháp luật.

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) hiện có 9 đồng bào dân tộc thiểu số và có 12 xã biên giới.

Toàn huyện có 131 người có uy tín và trưởng bản. Để mọi người dân nắm được thông tin bầu cử, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương và văn hóa từng dân tộc.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ, cho hay thời gian qua, huyện đã luôn phát huy cao vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng bản trong công tác vận động, tuyên truyền bầu cử đến nhân dân. Đây là cầu nối để người dân tiếp cận các thông tin liên quan đến bầu cử một cách nhanh và chính xác nhất.

Thông qua lực lượng này, người dân sẽ nắm được các quyền và nghĩa vụ của cuộc bầu cử, từ đó bầu ra các đại biểu có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực, đưa tiếng nói của đồng bào đến với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử trên địa bàn huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung thực hiện đúng tiến độ theo quy định. Các điều kiện về cơ sở vật chất được chuẩn bị kỹ lưỡng, người dân ai nấy đều phấn khởi, hào hứng chờ đón Ngày hội lớn của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục