Vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng ASEAN xanh

Mukhtar Hussain, chuyên gia cấp cao của HSBC nhận định việc đưa ra các chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng xanh là chiến lược mới và cần thiết với ASEAN.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutter Stock)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutter Stock)

Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Post của Mukhtar Hussain, chuyên gia cấp cao của HSBC, việc đưa ra các chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và bền vững là chiến lược mới và cần thiết đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thông báo mới đây của Cơ sở hạ tầng châu Á (Infrastructure Asia) - một cơ quan thuộc Chính phủ Singapore và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển các dự án cơ sở hạ tầng xanh ở khắp Đông Nam Á - là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh khu vực này đang ngày càng bị ảnh hướng lớn từ biến đổi khí hậu.

Tập đoàn ngân hàng Lloyd’s ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thành phố Đông Nam Á sẽ giảm khoảng 22,5 tỷ USD do nguy cơ ngập lụt gây ra. Nếu không được giải quyết, ADB dự báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11% GDP của Đông Nam Á vào cuối thế kỷ này.

[ASEAN và ADB khởi động sáng kiến ủng hộ các dự án hạ tầng "xanh"]

Theo ADB, từ năm 2019 cho đến năm 2030, đầu tư cơ sở hạ tầng ASEAN hàng năm cần khoảng 210 tỷ USD mới có thể đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của ASEAN và ngăn chặn những thách thức do biến đổi khí hậu.

Việc phát triển không chỉ là những con đường và cây cầu, mà cả những lĩnh vực cơ bản như điện, nước, hệ thống thoát nước, bệnh viện và trường học.

Hiện nay, khoảng 75% dòng chảy vốn vào “hạ tầng xanh” đến từ tài chính công và 25% từ nguồn vốn tư nhân, phần lớn dưới dạng cho vay thương mại.

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương) kỳ vọng tỷ lệ tài chính tư nhân sẽ chiếm 60% tổng nhu cầu. Điều này có nghĩa là cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Năm ngoái, Malaysia đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2030. Indonesia tuyên bố sẽ điều chỉnh các chính sách tài khóa để khuyến khích sản xuất các phương tiện thân thiện với môi trường và Việt Nam đang làm việc để hoàn thành một số dự án nhà máy điện Mặt Trời lớn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng tái tạo và bền vững thường gặp khó khăn về vốn. Do đó quá trình chuyển đổi năng lượng trong ASEAN sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, than vẫn sẽ chiếm phần lớn trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2040. Thách thức với các dự án năng lượng tái tạo ở thị trường châu Á như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, là chi phí sản xuất thường cao hơn giá trần, dẫn đến sự phụ thuộc đáng kể vào trợ cấp của chính phủ.

Để thu hút đầu tư khu vực tư nhân, cần xem xét các yếu tố sau:

Thứ nhất, hàng năm cần có báo cáo cơ sở hạ tầng bền vững. Việc xây dựng một báo cáo chuyên đề và tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể để đánh giá tiến độ của các dự án và nêu bật thực tiễn tài chính cơ sở hạ tầng liên kết bền vững trong khu vực ASEAN.

Thứ hai, tạo ra mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị ASEAN. Infrastructure Asia kêu gọi một chương trình nâng cao năng lực cho các quan chức chính quyền khu vực để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng thu hút vốn. Cần xây dựng các mô hình đào tạo cho các quan chức về các chủ đề chính liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng bền vững cũng như các bộ công cụ với mô hình tài chính để các quan chức tận dụng khi phát triển các dự án cơ sở hạ tầng bền vững.

Thứ ba, phát triển một bộ công cụ tài chính hỗn hợp ASEAN. Infrastructure Asia có kế hoạch hợp tác với ADB để thúc đẩy các giải pháp tài chính sáng tạo cho các dự án cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực ASEAN. Bằng việc hợp tác với các ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân, ASEAN nên phát triển một bộ công cụ tài chính hỗn hợp nhằm tìm cách chuẩn hóa các công cụ giải quyết rủi ro phổ biến liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng liên kết bền vững.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng liên kết bền vững, sử dụng tài chính của khu vực công và tư nhân, là cách thức để ASEAN có thể giải quyết các mối đe dọa và thách thức ngày càng tăng mà biến đổi khí hậu mang lại. Đó là lý do tại sao quan hệ đối tác giữa Infrastructure Asia và ADB là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Đông Nam Á để giải quyết các thách thức kinh tế và môi trường đang phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục