Vai trò của Italy trong quan hệ đối tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương

Trong tương lai, Rome muốn NATO tham gia nhiều hơn vào việc củng cố các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi, những khu vực vốn là cái nôi tiềm tàng của nhiều mối đe dọa.
Vai trò của Italy trong quan hệ đối tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Binh sỹ Italy tuần tra tại tỉnh Badghis, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Formiche đã đăng bài viết của nhà ngoại giao Italy Alessandro Minuto-Rizzo, cựu quyền Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phân tích về vai trò của Italy trong quan hệ đối tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.

Nội dung bài viết như sau:

Ngày 3/9, khi Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini gặp người đồng cấp Mỹ tại Lầu Năm Góc, ông dường như đã mang theo đầy đủ bằng chứng cho thấy Rome là một đối tác quốc phòng đáng tin cậy của Washington và các đồng minh.

Ví dụ, kể từ năm 2013, các chỉ huy Italy đã dẫn đầu Lực lượng Kosovo của NATO hỗ trợ sự ổn định của Kosovo và gìn giữ hòa bình ở khu vực Balkan. Italy cũng sẽ dẫn đầu phái bộ mới của NATO tại Iraq sau khi tiếp quản từ Đan Mạch vào năm tới.

Và tại Afghanistan, Italy đã tham gia ngay từ đầu, thay phiên lãnh đạo Bộ chỉ huy khu vực ở thủ đô Kabul, cũng như giám sát Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế và Phái bộ Hỗ trợ kiên quyết cho NATO ở Herat (với chi phí lớn về nguồn lực và sinh mạng).

Sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Ngoại trưởng Luigi Di Maio thông báo Italy đã sơ tán gần 5.000 người Afghanistan - mà ông tuyên bố là nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU).

[NATO tập trận tại Biển Đen nhằm cải thiện hợp tác liên minh]

Ngay ở trong nước, Italy đã chứng tỏ sự hữu dụng của họ với các đồng minh. Ví dụ như Trạm Không quân của Hải quân Sigonella ở Sicily là một trạm trung chuyển những người di tản chạy khỏi Afghanistan, trong khi Naples là nơi đặt Bộ Chỉ huy lực lượng liên quân đồng minh NATO.

Nếu một trong những bài học lớn nhất từ cuộc rút quân thất bại ở Afghanistan là các đồng minh phải hợp tác chặt chẽ hơn, thì Italy không cần học hỏi thêm.

Là một trong những thành viên sáng lập của NATO, Italy có thể nằm trong số các đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ ở châu Âu, tham gia các hoạt động quan trọng của NATO - từ kiểm soát trên không và sứ mệnh Tăng cường hiện diện phía trước (eFP) ở khu vực Baltic cho đến các lực lượng phản ứng nhanh của Nhóm hàng hải thường trực.

Quan hệ đối tác cho tương lai

Trong tương lai, Rome muốn NATO tham gia nhiều hơn vào việc củng cố các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi, những khu vực vốn là cái nôi tiềm tàng của nhiều mối đe dọa có thể nhân lên theo thời gian.

Đó là lý do chính phủ Italy dự kiến tận dụng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được tổ chức ở Rome vào cuối tháng 10 tới, để thúc đẩy các nỗ lực gìn giữ hòa bình và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Hội nghị G20 lần này cũng sẽ đưa ra cách gây áp lực với Taliban ở Kabul để đảm bảo phong trào này tôn trọng nhân quyền và đảm bảo phần nào hình thức đa nguyên chính trị.

Nhưng có rất nhiều vấn đề cấp bách khác ở những nơi khác, từ nhà nước thất bại ở Liban và cuộc khủng hoảng ở Sahel cho đến những thách thức địa chính trị do Trung Quốc, Nga và Iran đặt ra. Rome và Washington nên thiết lập các cuộc tham vấn định kỳ để điều phối các quan điểm quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực.

Vai trò của Italy trong quan hệ đối tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương ảnh 2Binh sĩ Italy bên các thiết bị quân sự tại lễ chuyển giao quyền tiếp quản cho Libya tại căn cứ quân sự ở Tripoli. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần mình, NATO phải tư duy lại về sức mạnh công nghệ và tác chiến của mình để tiếp tục là tổ chức chính trị-quân sự thành công nhất thế giới. NATO nên tăng cường tham vấn chính trị để hài hòa hơn với các ưu tiên của 30 quốc gia thành viên.

Với tư cách là các nước sáng lập NATO, Mỹ và Italy phải có tầm nhìn dài hạn hơn. “Chính sách mở cửa,” đã cho phép nhiều quốc gia tham gia NATO trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, là tích cực. Nhưng NATO không phải là Liên hợp quốc: Họ phải tiếp tục dựa vào các thành viên đóng góp lớn nhất của mình để tạo cho mình một định hướng.

Ưu tiên hàng đầu là tính hiệu quả của NATO - chứ không phải là sự phân bổ theo chiều ngang các vị trí hoặc sự quản lý vi mô các vấn đề thứ cấp. Hội đồng Bắc Đại Tây Dương của NATO phải trở lại trung tâm của tiến trình ra quyết định và giữ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hoạt động của tổ chức này.

Nhưng điều này phải được thực hiện thông qua việc tham vấn chính trị định kỳ nhiều hơn và các quy trình ra quyết định được rút ngắn. NATO cũng phải thúc đẩy việc bỏ phiếu đồng thuận và hạn chế sự phản đối của một quốc gia đồng minh duy nhất trong trường hợp không có lợi ích quốc gia thực sự.

Mỹ và Italy phải là những nước lãnh đạo NATO, với sự giúp đỡ của các đồng minh thân cận khác. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc đảm bảo rằng những nước đóng góp lớn nhất của NATO - những nước có khả năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự đồng thuận trong liên minh - phải có tiếng nói lớn nhất, bao gồm cả việc nắm giữ vị trí tổng thư ký.

NATO sẽ phải đối mặt với những thách thức chiến lược và chính trị mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi họ có ít kinh nghiệm, khi các mối đe dọa từ Trung Quốc tiếp tục xuất hiện.

Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có kỹ năng và sự cứng rắn, bên cạnh các kỹ năng ngoại giao không phổ biến, những điều dễ đạt được nhất thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh cùng chí hướng như Italy và Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục