Vai trò của giao thông vận tải trong phát triển kinh tế-xã hội

TTXVN giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với tiêu đề "Vai trò của giao thông vận tải trong phát triển kinh tế-xã hội."
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

"Vai trò của giao thông vận tải trong phát triển kinh tế-xã hội" là tựa đề bài viết của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể dành riêng cho cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" do TTXVN xuất bản, mua bản quyền nội dung của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate.

TTXVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài viết:

Như chúng ta đều biết, giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Đây là cầu nối không gian giữa các vùng (khu vực), kết nối các hoạt động kinh tế-xã hội giữa các vùng, giữa đất nước với thế giới; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ.”

Kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết 13).

[Bộ trưởng GTVT: 10 năm tới sẽ có thêm 4.000-5.000km đường cao tốc]

Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhờ đó có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế và có tác động mạnh mẽ tới kết quả kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

Về kết cấu hạ tầng đường bộ, hiện nay mạng lưới đường bộ của Việt Nam có khoảng 270.000km; trong đó có hơn 900km đường cao tốc, khoảng 24.600km quốc lộ và không bao gồm đường nội đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang khai thác 3.163km gồm 191km khổ 1.435mm, 2.656km khổ 1.000mm và 316km đường lồng, chưa có đường sắt tốc độ cao.

Về kết cấu hạ tầng hàng hải hiện đang khai thác 45 cảng biển; trong đó có 13 cảng dầu khí ngoài khơi, với tổng công suất thiết kế hơn 640 triệu tấn hàng/năm; có 48 tuyến luồng hàng hải vào cảng quốc gia và 12 tuyến luồng vào cảng chuyên dùng.

Về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện cấp Trung ương đang quản lý, khai thác khoảng 8.000 km. Về kết cấu hạ tầng hàng không hiện đang khai thác dân dụng 22 cảng hàng không gồm 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa với tổng công suất phục vụ của các cảng khoảng 89,8 triệu hành khách/năm và 1,01 triệu tấn hàng hóa/năm.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải đạt tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8-9% và từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải cũng không ngừng được nâng cao.

Ngành giao thông đã thực hiện xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội qua đó đã nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong Báo cáo điều tra về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016.

Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc; trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).

Điều này phản ánh thực trạng năng lực giao thông của đất nước trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, đúng hướng.

Tuy nhiên, nhìn chung đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đất nước vẫn còn còn thiếu và nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong số đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo tính cân đối giữa các hình thức, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải, chất lượng phục vụ giảm sút...

Do khó khăn về nguồn vốn nên hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng khai thác.

Những tồn tại, vướng mắc lớn nêu trên đã được ngành giao thông vận tải nhận diện và có những giải pháp căn cơ để từng bước khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, hàng không dân dụng là lĩnh vực có đặc thù về tính hội nhập quốc tế cao và khả năng thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm và dễ chịu tác động của tình hình thế giới và khu vực.

Đến nay, đã có 68 Hiệp định vận chuyển hàng không song phương được ký kết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khai thác các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang cùng các Quốc gia thành viên ASEAN triển khai Thị trường hàng không thống nhất ASEAN là khuôn khổ không chỉ giúp tự do hóa thị trường hàng không khu vực mà thông qua cơ chế hợp tác này các hãng hàng không có thể mở rộng mạng đường bay tới các khu vực khác trên thế giới.

Hiện có 5 hãng hàng không trong nước và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài khai thác 130 đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam.

Đặc biệt, trong tháng 02/2019, Cục Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cấp chứng chỉ đạt Tiêu chuẩn an toàn Nhóm 1 (CAT 1), tạo cơ sở để các hãng hàng không Việt Nam nghiên cứu hiện thực hóa giấc mơ mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ.

Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam cũng đã và đang được nâng cấp, xây mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không giữa Việt Nam với các nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Vân Đồn và sắp tới là cảng hàng không Vinh, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Chu Lai..., đặc biệt là đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đối với lĩnh vực hàng hải, đến nay, Việt Nam đã gia nhập 24 Công ước quốc tế và Nghị định thư liên quan trong lĩnh vực hàng hải, ký kết 28 Hiệp định vận tải biển song phương với các nước đối tác.

Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên do Việt Nam cấp cũng đã được công nhận bởi 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các Quốc gia thành viên ASEAN triển khai Thị trường hàng hải thống nhất ASEAN.

Đội tàu biển Việt Nam có trên 1.500 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT.

Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới.

Việt Nam đã có những con tàu đủ trọng tải và tiêu chuẩn hoạt động trên khắp thế giới, kể cả các tuyến viễn dương như Bắc Mỹ, châu Âu. Ngành giao thông vận tải cũng đã và đang tập trung phát triển các cảng biển cửa ngõ của Việt Nam ra Biển Đông, nơi có nhiều hành lang vận tải quốc tế, đặc biệt là các cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn từ 50.000-100.000 DWT ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng.

Đối với lĩnh vực đường bộ, trong thời gian qua, Việt Nam đã gia nhập và triển khai ngày càng hiệu quả Công ước quốc tế Viên 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế Viên 1968 về Biển báo và Tín hiệu đường bộ cũng như các hiệp định và nghị định thư vận tải đường bộ song phương với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Các tuyến đường bộ dọc theo các hành lang và vành đai kinh tế kết nối Việt Nam với các nước láng giềng cũng đã và đang được hoàn thành xây dựng và nâng cấp.

Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các nước trong việc triển khai “một cửa một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu biên giới với Lào và Campuchia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước rà soát, kiểm tra tình hình vận tải đường bộ qua biên giới cũng như thúc đẩy nghiên cứu mở các tuyến vận tải đường bộ quốc tế mới.

Trong khuôn khổ kết nối đường bộ khu vực, Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực thực hiện kế hoạch cụ thể triển khai Đề án Tăng cường kết nối giao thông vận tải ASEAN; trong đó gồm mảng lớn kết nối hạ tầng đường bộ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ thuộc mạng đường bộ ASEAN đồng thời đưa các tuyến đường bộ cao tốc có hướng tuyến phù hợp vào khai thác như là một phần của mạng đường bộ ASEAN để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng vận tải.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào việc triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS CBTA).

Đối với lĩnh vực đường sắt, trong thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang hợp tác hiệu quả trong việc tổ chức vận chuyển hàng hóa trên tuyến từ Hà Nội đi Côn Minh, Nam Ninh và các tuyến liên vận quốc tế trên cơ sở Hiệp định đường sắt biên giới Việt-Trung.

Việc phối hợp với các nước ASEAN triển khai chương trình hợp tác xây dựng đường sắt xuyên Á cũng có những chuyển biến tích cực. Đến nay, nghiên cứu khả thi đối với các tuyến đường sắt thuộc hệ thống này đã được hoàn thành gồm tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ kết nối với Lào và tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Lộc Ninh kết nối với Campuchia.

Hiện nay Việt Nam đang phối hợp với các nước Lào và Campuchia kêu gọi đầu tư cho các tuyến đường sắt này. Năm 2014, Việt Nam cũng đã gia nhập Hiệp hội đường sắt Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMRA) và hiện đang tích cực triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ này.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, từ khi triển khai Hiệp định Vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia được ký năm 2009, có hiệu lực từ năm 2011, mỗi năm hai nước đã làm thủ tục cho hàng chục nghìn lượt tàu qua lại với hàng triệu tấn hàng hóa và hàng trăm nghìn lượt khách qua lại giữa hai bên bằng đường thủy.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã ký Phụ lục sửa đổi Hiệp định vận tải thủy Việt Nam-Campuchia nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp vận tải thủy hai nước.

Về hợp tác với Trung Quốc, việc Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại Khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân đã được ký trong tháng 11/2015 sẽ tạo cơ hội cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa hai bên trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với phía Trung Quốc trao đổi kế hoạch triển khai Hiệp định nêu trên.

Về định hướng kết nối giao thông vận tải Việt Nam với khu vực và thế giới trong thời gian tới:

Đối với lĩnh vực hàng không, nhằm thực hiện chính sách tăng cường phát triển vận tải hàng không và du lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét việc ký kết các điều ước quốc tế mới trong lĩnh vực vận tải hàng không theo hướng đảm bảo tính thiết thực nhằm hỗ trợ các hãng hàng không tăng cường mở rộng mạng đường bay; tiếp tục thực hiện thị trường hàng không thống nhất ASEAN đồng thời cùng với các nước ASEAN tiến hành đàm phán ký kết hiệp định hàng không với các nước đối thoại như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ…

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ thúc đẩy các hãng hàng không nghiên cứu việc tăng cường, mở rộng khai thác tới các nước và khu vực không chỉ là thị trường trọng điểm trong lĩnh vực hàng không, du lịch mà còn là các đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU.

Đối với lĩnh vực hàng hải, tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết tại các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và vận tải biển trong hệ thống Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng như các Hiệp định vận tải biển mà Việt Nam đã ký kết, tích cực cùng các nước thành viên ASEAN triển khai Thị trường hàng hải thống nhất (ASSM); đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển trong việc tìm kiếm thị trường, nguồn hàng, đối tác cũng như thúc đẩy các nước và vùng lãnh thổ tăng cường công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên do Việt Nam cấp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

Đối với lĩnh vực đường bộ, tiếp tục triển khai hiệu quả Công ước quốc tế Viên 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế Viên 1968 về Biển báo và Tín hiệu đường bộ và các Hiệp định, Nghị định thư vận tải đường bộ song phương đã ký kết theo hướng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải tăng cường hoạt động vận tải qua biên giới; nghiên cứu và trao đổi với các nước láng giềng về khả năng tăng hạn ngạch phương tiện đường bộ thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tích cực và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên GMS, ASEAN trong việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết về vận tải, tạo thuận lợi vận tải đường bộ trong các khuôn khổ hợp tác này.

Đối với lĩnh vực đường sắt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông các nước Lào, Campuchia kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường sắt thuộc hệ thống đường sắt xuyên Á; thúc đẩy phía Trung Quốc tiến hành đàm phán Hiệp định đường sắt giữa hai nước thay thế Hiệp định đã ký năm 1992.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Công chính Campuchia rà soát, tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy của doanh nghiệp hai nước trên cơ sở thực hiện Hiệp định và Phụ lục sửa đổi Hiệp định vận tải thủy Việt Nam-Campuchia.

Đối với hợp tác vận tải thủy với Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trao đổi thống nhất với phía Trung Quốc kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân giữa biên giới hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục