Vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo tồn các lãnh thổ công viên địa chất

Người dân địa phương là những người có liên quan, nắm giữ quyền trong quá trình xác định, đề cử, quản lý và bảo vệ Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cũng như trong việc giới thiệu di sản.

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Ngày 15/9, tại Cao Bằng, Ban Tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tổ chức phiên bế mạc.

Với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất,” Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2024 đã ra Tuyên bố Cao Bằng.

Tuyên bố Cao Bằng nêu rõ, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần tích cực thu hút cộng đồng địa phương và người dân bản địa; soạn thảo và triển khai kế hoạch đồng quản lý đáp ứng các nhu cầu xã hội và kinh tế, bảo vệ cảnh quan và bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương. Cộng đồng địa phương cần được thêm vào trong quá trình lập kế hoạch và quản lý khu vực; các bên liên quan, chính quyền địa phương và khu vực có liên quan đều được đại diện trong quá trình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO xác nhận vai trò của cộng đồng địa phương hoặc người bản địa trong việc xác định, bảo vệ và bảo tồn các lãnh thổ Công viên địa chất. Người dân địa phương là những người có liên quan, nắm giữ quyền trong quá trình xác định, đề cử, quản lý và bảo vệ Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cũng như trong việc giới thiệu di sản.

Nhằm nâng cao quyền làm chủ của cộng đồng địa phương và thu hút nhiều du khách, mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO xác định, bảo vệ và tối ưu hóa việc sử dụng di sản phi vật thể để kể những câu chuyện về các quá trình địa chất, lịch sử, văn hóa cũng như các nghi lễ và tín ngưỡng của người dân địa phương.

ttxvn_be_mac_hoi_nghi_quoc_te_lan_thu_8_mang_luoi_cong_vien_dia_chat_toan_cau_unesco_khu_vuc_chau_a_–_thai_binh_duong_nam_2024_3.jpg
Ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng trao giải nhất cuộc thi ảnh đẹp về Công viên địa chất Việt Nam. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Các bên liên quan cũng nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ, truyền tải và thúc đẩy tất cả các ngôn ngữ địa phương hoặc bản địa,và các hệ thống kiến thức liên quan hiện có trong lãnh thổ của Công viên địa chất.

Tuyên bố Cao Bằng cũng nêu Công viên địa chất UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và đóng góp vào 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong giảm nghèo, giáo dục chất lượng, quan hệ đối tác vì các mục tiêu, hành động về khí hậu, giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng và bình đẳng giới.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á Thái Bình Dương kêu gọi tăng cường thêm các hành động để thực hiện các ý tưởng ở cấp địa phương cũng như ở cấp khu vực và quốc tế, với mục tiêu thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho công viên địa chất bảo tồn và phát triển bền vững, xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu; tăng cường trao đổi kiến thức và khuyến nghị những chính sách cho các hoạt động thực tiễn, thúc đẩy các chương trình quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai trong các công viên địa chất; tăng cường các chương trình giáo dục và xây dựng năng lực để trao quyền cho thanh thiếu niên trong công tác bảo tồn công viên địa chất.

ttxvn_be_mac_hoi_nghi_quoc_te_lan_thu_8_mang_luoi_cong_vien_dia_chat_toan_cau_unesco_khu_vuc_chau_a_–_thai_binh_duong_nam_2024_1.jpg
Trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2026 cho đại diện Malaysia. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tại phiên bế mạc, Ban Tổ chức trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2026 được tổ chức tại Langkawi, Kedah, Malaysia; trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; trao giải Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

Tại Cao Bằng, từ ngày 8-15/9, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định, cuộc họp của Ban điều phối và Ban cố vấn của Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tổ chức 6 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục